(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tiếp tục phát triển và phát huy vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi.
Đến nay KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã khẳng định được vị thế hàng đầu của các KKT ven biển, là hạt nhân kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng
Đến nay, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển của KKT Dung Quất, như: Các tuyến giao thông trục chính đô thị Vạn Tường, đường Võ Văn Kiệt, đường Dung Quất - sân bay Chu Lai - cảng Kỳ Hà, đường Dốc Sỏi - cảng Dung Quất và các tuyến giao thông trục chính trong các KCN như: KCN VSIP, KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú, KCN phía Đông, KCN phía Tây...
Đã đầu tư xây dựng hoàn thành 19 khu dân cư với tổng diện tích 130ha, phục vụ việc di dời gần 2.000 hộ dân; trường cao đẳng nghề với quy mô đào tạo 2.000 học sinh; trung tâm truyền hình; bệnh viện với quy mô 100 giường; trung tâm văn hoá- thể thao... Ngoài ra, hệ thống cấp điện, bưu chính viễn thông, cấp nước, cảng biển và các công trình dịch vụ tiện ích khác được đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đường Trì Bình-Dung Quất đang được tập trung đầu tư, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho KKT Dung Quất. ảnh: M.B |
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch luôn được Ban Quản lý chú trọng. Trong đó, quy hoạch chi tiết các đô thị trong KKT Dung Quất đã hoàn thành, gồm: Quy hoạch xây dựng chi tiết và thiết kế đô thị mới Vạn Tường được đánh giá là đô thị hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thế giới; quy hoạch chi tiết đô thị Dốc Sỏi; quy hoạch chi tiết đô thị Sa Kỳ... Ban Quản lý cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư phát triển của KKT và các đô thị trong KKT để làm cơ sở thực hiện.
Nâng cao năng lực thu hút đầu tư
Hiện KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 235 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 145.777 tỷ đồng (tương đương gần 8 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư đạt khoảng 75% vốn đăng ký, trong đó có 37 dự án FDI và 198 dự án trong nước. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đang xúc tiến một số dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, hóa dầu với số vốn đầu tư hàng tỷ USD. Ngoài ra, dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được nâng cấp, mở rộng với số vốn 1,82 tỷ USD; triển khai dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất; chuẩn bị triển khai dự án điện khí...
Công nhân Nhà máy điện tử Foster (Nhật Bản) tại KCN Tịnh Phong trong ca sản xuất. Ảnh: PV |
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 138 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với 167 dự án. Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, sản xuất nhiều sản phẩm hóa dầu và sau hóa dầu; các sản phẩm cơ khí, gỗ tinh chế, may mặc, giày da, dệt nhuộm, nước uống đóng chai; gia công và sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng, vận chuyển, kho bãi, nhà hàng, khách sạn.
KKT Dung Quất đã được quy hoạch với diện tích 45.332ha. Đây là một trong những KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và là một trong những KKT có những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay. Do đó, khi đầu tư vào đây, các nhà đầu tư sẽ được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và thời hạn thuê đất, hỗ trợ đào tạo nghề và cung ứng lao động kỹ thuật.
Để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ đặc biệt như: Hỗ trợ giá cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư, với mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá quy định của Chính phủ; hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với những dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng từ 50 đến 90% và miễn tiền thuê đất suốt đời dự án, đối với lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường.
KKT Dung Quất đưa ra mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu thu hút đầu tư đạt 3 - 5 tỷ USD (vốn thực hiện đạt 60 - 70%); tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt 3-4%/năm; hàng hoá thông qua cảng khoảng 18 triệu tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 600 - 800 triệu USD. Đến năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 35.000 tỷ đồng và góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động. |
Ngoài ra, khi đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, các nhà đầu tư được tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ chi phí đào tạo lao động; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư; hỗ trợ công tác truyền thông quản bá hình ảnh; hỗ trợ về thủ tục hành chính, với cơ chế nhanh gọn, một đầu mối, có hiệu quả cho nhà đầu tư...
Song song với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cũng luôn chú trọng đến vấn đề môi trường, nguồn nhân lực và các dịch vụ trong KKT và các KCN, thực hiện công tác quan trắc, phân tích, giám sát môi trường tại KKT và vùng phụ cận; khu xử lý chất thải rắn; hệ thống xử lý nước thải, thực hiện thu gom, xử lý rác thải, chất thải, nước thải trong KKT Dung Quất và các KCN...
Về nguồn nhân lực, hiện các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đang tạo việc làm cho trên 30.000 lao động. KKT Dung Quất có 2 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài KKT (Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Dung Quất, Trung tâm Đào tạo và cung ứng lao động Dung Quất). Đến nay, các cơ sở này đã đào tạo trên 16.000 sinh viên, học viên có trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật, trong đó khoảng 2.174 lao động là công nhân hàn kỹ thuật cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi.
Minh Toàn