Cuốn "bí kíp" tìm lộc biển

02:02, 08/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 30 năm thăng trầm với nghề đi biển, vốn liếng lớn nhất mà ngư dân Bùi Văn Tẩn (53 tuổi), xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển (Bình Sơn) để lại cho con cháu không gì khác ngoài cuốn “bí kíp” ghi chép về những tọa độ cho nhiều tôm, cá ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

TIN LIÊN QUAN

Dù đã ố màu thời gian, cũ kỹ nhưng cuốn nhật ký đã thành vật vô giá “gối đầu giường” của vợ chồng ông Tẩn. “Tôi luôn có một cuốn mang theo bên người. Một cuốn ở nhà vợ cất để mất cái này còn có cái kia. Tâm huyết cả đời nên phải kỹ lưỡng”, ông Tẩn cười nói.

Những tọa độ ghi chép bằng tay

Tàu cá của lão ngư Bùi Văn Tẩn cập cảng Sa Kỳ trong một ngày nắng ráo. Công việc đầu tiên của ông khi về đất liền là lần dở cuốn nhật ký chép vội vào đó những tọa độ mới mà ông khám phá được sau khoảng một tháng trời lênh đênh trên biển.

Nước da ngăm đen, gương mặt cháy sạm là cảm nhận đầu tiên về lão ngư dày dạn kinh nghiệm này. Ông Tẩn bắt đầu kể về hành trình bám biển của mình cho những vị khách lạ. Cái nghề đã gắn với ông ngót ngét ba mươi mùa trăng, từ những tháng ngày lèo lái con tàu không số, công suất nhỏ đánh bắt gần bờ đến những con tàu lớn vươn khơi xa, với công suất lên tới hàng trăm mã lực.

 

Lộc biển. ẢNH: lvc
Lộc biển. ẢNH: LVC


Ông Tẩn tâm sự: “Hồi xưa làm gì có máy móc hiện đại như bây giờ. Ăn nhau ở kinh nghiệm mà thôi. Ai lanh lẹ thì sắm cho mình quyển vở, ra đó chỗ nào có cá, tôm thì tranh thủ lưu ngay lại. Cuốn “bí kíp” mỗi ngày dày đặc những con số, những hành trình tiếp theo cứ thế mà đi thôi, không cần phải tìm kiếm vất vả nữa”.
 

Đỉnh điểm đạt 10 tấn/chuyến

Mỗi năm ông xuất bến độ 7-8 bận, mỗi bận đi - về khai thác đạt khoảng 6-7 tấn, đỉnh điểm là 10 tấn. Bán hết số ấy, gia đình ông thu về trên dưới 700 triệu đồng/chuyến, trừ chi phí cũng còn lời phân nửa. Đời sống bạn tàu được cải thiện đáng kể nhờ khoản tiền hậu hĩnh mà chủ chia đều theo tỷ lệ thống nhất trước đó giữa hai bên.

Khi khoa học công nghệ lên ngôi, máy dò, máy quét... ra đời, ngư dân có điều kiện thuận lợi hơn để hành nghề. Hầu như ai cũng sắm sửa, ông Tẩn cũng nằm trong số đó. Thế nhưng, ông vẫn duy trì cách làm truyền thống ấy, vừa để giữ lại hồn biển, vừa để bầu bạn tinh thần. Bộ sưu tập bây giờ đã lên tới vài cuốn cũ, mới đan xen. “Máy dò, máy quét chỉ cho ta luồng cá di chuyển, nhưng không lưu lại được tọa độ ấy trong máy. Chỉ có ghi chép bằng tay mới làm được điều đó. Cái lâu dài bao giờ cũng hiệu quả hơn cái tức thời”, ông Tẩn cho hay.

Để chúng tôi tin hơn, ông mở tủ lấy ra bày lên bàn những “vật chứng” gắn liền với đời ông, rồi chia cho mỗi người một cuốn tham khảo. Riêng ông thì giở cuốn chính, giá trị nhất rồi chỉ vào những trang giấy nằm ở đầu sổ với la liệt những tọa độ “vàng” có nhiều cá mú, cá mó u, hải sâm. Mỗi trang ghi chép được 4-5 điểm.

Giờ nói về ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, ông Tẩn rành rẽ đến tận chân tơ kẽ tóc. Đến nỗi, ông đếm không sót điểm nào. “Tôi nhớ chính xác mình nắm rõ 100 điểm ở Trường Sa, 50 điểm ở Hoàng Sa có nhiều sản vật của biển. Ai tìm được nhiều hơn thì tôi thua”, câu nói chắc nịch khiến ai nghe cũng phải nể phục.

Ở cái xóm Gành Cả ấy, ông Tẩn luôn được mệnh danh là bậc thầy chế ngự biển cả. Bởi ông còn dành nhiều trang giấy cập nhật những đảo có đầm và không có đầm để tiện cho việc tránh trú bão. Nổi cộm phải kể đến đảo Đá Bắc và Bom Bay ở Hoàng Sa, chịu được sóng gió giật tới cấp 9, cấp 10... nơi nhiều tàu cá chọn làm “ngôi nhà” thứ 2.

“Bí kíp” làm giàu gia truyền

Nhờ cuốn “bí kíp” có một không hai ấy, thuyền ông Tẩn ra khơi đánh đâu trúng đó, 10 chuyến đi thì đến 9 chuyến cá đầy khoang. “Anh Tẩn có đưa cho tôi lái chiếc tàu QNg 95861 TS có công suất 710CV, cao gần gấp đôi chiếc tàu có công suất 380CV mà anh Tẩn đang lái. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt mỗi chuyến của anh luôn thắng lớn, bằng hoặc cao hơn tôi cũng như nhiều người ở đây, vì anh có nhiều kinh nghiệm đánh bắt hơn”, anh Bùi Văn Cu, 46 tuổi, em trai ông Tẩn chia sẻ.

 Ngư dân Bùi Văn Tẩn giới thiệu cuốn “bí kíp” khai thác được nhiều tôm, cá. Ảnh: T.H
Ngư dân Bùi Văn Tẩn giới thiệu cuốn “bí kíp” khai thác được nhiều tôm, cá. Ảnh: T.H


Từ cái tuổi trai tráng đến trung niên, mọi thứ chi tiêu trong nhà lão ngư Tẩn đều phụ thuộc chủ yếu vào lộc biển. Những chuyến hải trình như vậy theo thời gian, tuổi tác mỗi ngày một ngắn lại với người đàn ông này. Ấy nhưng, cuốn “bí kíp” thì vẫn dày thêm và gần như vẫn nguyên vẹn giá trị. Ông Tẩn để lại nó cho các con, cháu trong gia đình, gửi gắm tất cả tâm nguyện vào thế hệ tiếp nối nghề. Ông cho hay: “Thấy tụi nó nhanh nhẹn, tiếp tục cùng cha phác họa bản đồ về đáy biển, về những chỗ có nhiều tôm, cá mà lòng mình vui đến lạ. Hy vọng đến đời cháu chắt vẫn còn giữ được điều đó”.

Biển đã nuôi sống gia đình ông cùng gia đình bạn tàu trong hàng chục năm qua. Ngày trước, ngư dân Gành Cả đi biển để cải thiện kinh tế. Ngày nay, nhận thức đi biển của người dân đã đổi khác. Không dừng lại ở mục đích mưu sinh, ông Tẩn cùng hai người con trai Bùi Duy Tân (36 tuổi), Bùi Văn Tự (29 tuổi) và con rể Võ Duy Linh (36 tuổi) vẫn luôn gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa, vì lòng tự hào dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Thiên Hậu


 


.