(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày cuôiối năm, lũ liên tiếp khiến người dân Quảng Ngãi thiệt hại nặng nề. Do đó, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã nhanh chóng được giải ngân, hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Khoanh nợ, xử lý nợ rủi ro
Chắt chiu cả năm trời chỉ để dồn vào vụ hoa cuối năm, thế nhưng những cơn lũ liên tiếp đã cướp đi tất cả. Cuộc sống của người trồng hoa vốn đã khó khăn, vất vả nay lại càng trở nên túng thiếu hơn.
Nhờ nguồn vốn giải ngân kịp thời, ông Chế Tám, xã Nghĩa Hiệp đã tái đầu tư sản xuất. |
Thuộc hộ cận nghèo, nên chị Lê Thị Kim Oanh, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) vay được 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) về đầu tư trồng hoa và làm công trình vệ sinh, nước sạch. Những tưởng vụ hoa Tết năm nay chị sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá, trả bớt nợ và trang trải cuộc sống gia đình. Ngờ đâu, bao nhiêu dự tính đã phút chốc trôi theo dòng nước lũ. Để vớt vát lại chút ít, chị Oanh đã tìm mọi biện pháp để cứu hoa, nhưng vì ngâm nước quá lâu, nên hoa của chị đều bị héo úa.
Để giúp các hộ dân bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã kịp thời bổ sung nguồn vốn cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt. Đồng thời chỉ đạo Ngân hàng CSXH tại các địa phương vùng lũ nhanh chóng giải ngân, tạo điều kiện để bà con sớm tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước. Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng CSXH Việt Nam LÊ NGỌC BẢO. |
“Bao nhiêu vốn liếng đều đầu tư vào vụ hoa Tết, ai ngờ mất hết. Rồi đây không biết lấy tiền đâu để trả lãi hằng tháng cho ngân hàng, chứ đừng nói đến trả tiền gốc. Khổ nhất là bây giờ không có tiền để đầu tư lại vụ mới. Chỉ mong ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ và cho vay thêm để giải quyết khó khăn”, chị Oanh phân trần.
Tuy không thuộc hộ nghèo, nhưng ông Chế Tám, xã Nghĩa Hiệp cũng đã rơi vào cảnh khó khăn khi lũ đã cuốn trôi của ông hết 3 sào ớt và hoa Tết. Trong lúc không biết lấy đâu ra tiền để mua giống, mua phân, ông Tám được Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã hướng dẫn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Nhờ nguồn vốn được giải ngân kịp thời, nên ông Tám đã xuống giống vụ hoa màu mới.
Ông Trần Duy Cường – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: “Ngay sau khi xảy ra lũ lụt, Ngân hàng CSXH đã chỉ đạo các Phòng giao dịch ở các huyện tiến hành rà soát các đối tượng có dư nợ bị thiệt hại. Theo đó, tùy theo mức độ, ngân hàng sẽ tiến hành xử lý nợ rủi ro, đồng thời tái đầu tư nguồn vốn để người dân khôi phục sản xuất. Hiện nguồn vốn còn rất nhiều, nên người dân vùng lũ cần bao nhiêu, chúng tôi sẽ đáp ứng bấy nhiêu, tạo mọi điều kiện để giải ngân sớm nhất cho bà con”.
“Bơm vốn” hỗ trợ sản xuất
Ở Nghĩa Hiệp, vụ hoa Tết là nguồn thu nhập chính trong năm. Do vậy, hầu hết người dân ở đây dù có hay không cũng đều vay vốn để đầu tư trồng hoa. Tuy nhiên, đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng, nhiều hộ trắng tay. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước giải ngân qua Ngân hàng CSXH, người dân rất khó ổn định cuộc sống.
Ông Lương Bá Đạo – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiệp, cho biết: “Để kịp thời đưa vốn về cho người dân, Ngân hàng CSXH huyện cùng các Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã đã lập danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn để đầu tư, khôi phục sản xuất. Nếu hộ nào có nhu cầu vốn gấp, Tổ Tiết kiệm và vay vốn sẽ phối hợp với Ngân hàng giải ngân trước Tết cho bà con. Còn những hộ nào qua Tết mới cần vay thì sẽ được giải ngân sau”.
Bài, ảnh: HỒNG HOA