Thăng trầm ngành thủy sản năm 2016

11:12, 22/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, ngành thủy sản Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả khả quan trong lĩnh vực khai thác, song nghề nuôi trồng thì gặp rất nhiều khó khăn, bởi dịch bệnh bủa vây, lũ lụt gây nhiều thiệt hại.

TIN LIÊN QUAN

Sản lượng đánh bắt tăng

Trong năm sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 173 nghìn tấn, đạt 105,47% kế hoạch năm và tăng 7% so với năm 2015. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nguyên nhân sản lượng khai thác thủy sản tăng là do đội tàu khai thác xa bờ tăng, với 238 tàu đóng mới, 444 tàu cải hoán. Tuy nhiên, hiện nay trữ lượng nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút; thiếu lao động đi biển, một số nghề khai thác hải sản truyền thống của địa phương hoạt động kém hiệu quả, làm cho lao động chuyển sang các nghề khác... nên dù năm 2016 được đánh giá là năm có số lượng tàu đóng mới cao hơn hẳn so với mọi năm, nhưng sản lượng đánh bắt cũng chỉ tăng thêm khoảng 7%.

Dịch bệnh bủa vây nghề nuôi trồng

Tình hình nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản nước lợ trong năm qua không mấy sáng sủa khi dịch bệnh lại tiếp tục bủa vây. Năm qua, toàn tỉnh thả nuôi 1.405ha, so với năm 2015, diện tích thả nuôi thủy sản không thay đổi. Nhưng dịch bệnh trên tôm đã xảy ra tại 11 xã trên địa bàn 4 huyện, thành phố với diện tích hơn 65ha. Số lượng con giống bị thiệt hại khoảng 60 triệu con, nguồn gốc con giống trong tỉnh và ngoài tỉnh, đa số chưa qua kiểm dịch.

Năm 2016, sản lượng đánh bắt hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh tăng hơn 7% so với năm ngoái, chủ yếu là tăng về sản lượng đánh bắt xa bờ.       Ảnh: Ý Thu
Năm 2016, sản lượng đánh bắt hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh tăng hơn 7% so với năm ngoái, chủ yếu là tăng về sản lượng đánh bắt xa bờ. Ảnh: Ý Thu


Ngoài ra, dịch bệnh trên tôm hùm cũng đã xảy ra tại huyện Lý Sơn làm chết 460 con; 14 bè nuôi cá bớp trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, số lượng cá chết 14.534 con.

Nhập khẩu thủy sản tăng

Năm 2016, nhập khẩu thủy sản tăng hơn 32% so với năm 2015. Trong đó, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là tôm đông lạnh từ Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản... Sản lượng đánh bắt tăng, diện tích nuôi tôm không đổi so với năm 2015, nhưng doanh nghiệp lại phải nhập khẩu tôm từ nước ngoài là một nghịch lý đang xảy ra.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho rằng: “Do dịch bệnh trên tôm xuất hiện ngày càng nhiều đã dẫn đến việc các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn tôm nguyên liệu, phải nhập khẩu hoặc thu mua từ tỉnh bạn. Hơn nữa giá tôm thành phẩm của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung lại cao hơn so với giá tôm tại nhiều nước, nên các doanh nghiệp đương nhiên sẽ ưu tiên cho tôm nhập khẩu. Điều này đặt ra bài toán cho ngành, đó là phải làm sao giảm chi phí, giá thành sản xuất cho nông dân”.

Ngư dân vẫn chưa mặn mà với tàu vỏ thép

Trong tổng số 78 tàu được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67, đến cuối năm 2016, chỉ mới có 8 tàu vỏ thép, 20 tàu vỏ gỗ đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Đến cuối năm 2016, Quảng Ngãi mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 tàu vỏ thép.
Đến cuối năm 2016, Quảng Ngãi mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 tàu vỏ thép.

Theo ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nguyên nhân khiến số lượng tàu vỏ thép đóng mới còn khá thấp có nhiều lý do, từ giá thành, nhân lực vận hành đến cách tiếp cận nguồn vốn... đã khiến ngư dân và cả ngân hàng đều không mặn mà với tàu vỏ thép”. Cụ thể là: “Giá đóng con tàu vỏ thép cao gần gấp đôi so với tàu vỏ gỗ, nhưng hiệu quả đánh bắt lại không gấp đôi. Trong quá trình vận hành, công tác bảo dưỡng tàu vỏ thép định kỳ cũng phải được thực hiện thường xuyên hơn so với tàu vỏ gỗ. Hơn nữa, vốn đối ứng của ngư dân với tàu vỏ thép chỉ 5%, nên nhiều ngân hàng không mặn mà vì rủi ro cho vay lớn”, ông Hưng phân tích.

Ngư dân tiếp tục gặp rủi ro

Từ đầu năm đến nay, đã có 43 tàu của ngư dân bị thiệt hại trên biển, trong đó 29 tàu bị chìm và phá nước không trục vớt được, 2 tàu bị mắc cạn, 3 tàu bị cháy nổ... Có 7 ngư dân chết và mất tích,1 ngư dân bị thương.

Trong hai tháng cuối năm 2016, Quảng Ngãi liên tiếp đón nhận hung tin từ 4 chiếc tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ lẫn gần bờ. Ngày 24.11, tàu cá QNg 92823TS của ngư dân Võ Lai, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) với 11 ngư dân trên tàu bất ngờ bị chết máy và trôi dạt ở vùng biển Hoàng Sa. Đến ngày 27.11, tàu QNg 90134 TS của ông Võ Duy Tiến, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) bị hỏng hộp số và trôi tự do khi đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa. Đêm 25.11, tàu cá QNg 95886 TS do ngư dân Nguyễn Tấn Hùng ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) làm thuyền trưởng đã bị phá nước và bị sóng đánh chìm khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa. Và mới đây nhất là tàu cá QNg 11150 TS và 4 thuyền viên bị mất tích khi đang đánh bắt trên vùng biển Quảng Ngãi, đến nay mới chỉ trục vớt được tàu chìm chứ chưa tìm thấy 4 ngư dân mất tích...

 

Bài, ảnh: Ý THU

 


.