Phát triển nghề nuôi thủy sản: Yếu nguồn lực, thiếu quyết tâm

08:10, 27/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 90% dịch bệnh xảy ra trên các đối tượng thủy sản nuôi là do yếu tố môi trường. Con số này đã đặt ra rất nhiều thách thức cho người dân cũng như chính quyền địa phương, ngành chuyên môn trong việc kiểm soát chất lượng môi trường đối với nghề nuôi thủy sản.

TIN LIÊN QUAN

Rác thải “vây” biển

Đầu tháng 9.2016, 15 hộ nuôi cá bớp trong lồng dọc cầu Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) điêu đứng vì hàng nghìn con cá đang giai đoạn thu hoạch bỗng dưng bị chết. Thời điểm ấy, chính quyền địa phương và người dân đã điểm tên hàng loạt “thủ phạm” gây ra tình trạng cá chết như: Con giống không đảm bảo chất lượng vì chưa được cơ quan chuyên môn kiểm dịch, môi trường nước bị ô nhiễm xăng dầu, các cơ sở chế biến thủy sản xả thải khiến cá bị “nhiễm độc” vì thiếu ô xy...

Những lồng nuôi thủy sản đặt gần với khu dân cư và khu neo đậu tàu thuyền.
Những lồng nuôi thủy sản đặt gần với khu dân cư và khu neo đậu tàu thuyền.


Tuy nhiên, khi đi dọc cầu Thạnh Đức, chúng tôi nhận thấy những lồng cá bớp của người dân được đặt quá gần với khu dân cư và nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân. Đã thế, khu vực này chẳng khác gì “bãi rác di động” khiến nước biển trở màu đen ngòm. Và, kết quả kiểm tra cá bớp nuôi lồng chết ở xã Phổ Thạnh mà Sở NN&PTNT vừa công bố cũng khẳng định: Ngoài việc cá bị thiếu ôxy do nắng nóng kéo dài, nước thủy triều xuống thấp khiến nhiệt độ nước biển vùng ven bờ tăng cao thì, nguyên nhân chính gây ra tình trạng cá chết hàng loạt là do môi trường nước vùng nuôi bị ô nhiễm.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thay vì thu gom rác thải đổ ở nơi quy định hoặc bỏ vào các thùng rác lưu động, người dân ven biển xã Phổ Thạnh lại “đụng đâu vứt đó”. Dù chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, cảnh báo tác hại của thực trạng này, nhưng người dân vẫn phớt lờ.

Giải pháp nào cho môi trường nuôi

Trước cá bớp, người nuôi tôm hùm ở huyện đảo Lý Sơn từng lao đao vì tôm chết hàng loạt. Kết quả kiểm tra sau đó cũng khẳng định nguyên nhân là do các chỉ tiêu về nguồn nước, môi trường không đảm bảo. Với tôm thẻ chân trắng, hơn 80% các trường hợp dịch bệnh cũng xuất phát từ môi trường. Thực trạng này, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân đều biết rõ nhưng nhiều năm nay, họ vẫn bất lực trong việc giải quyết. Đơn cử như việc nuôi tôm thẻ chân trắng.

Sở NN&PTNT xác định tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản có lợi thế cạnh tranh, đầu ra và giá bán tương đối ổn định. Tuy nhiên hạ tầng vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện đang bị bỏ ngỏ. Năm 2015, Dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã được Bộ NN&PTNT chấp thuận chủ trương đầu tư, song đã hơn một năm trôi qua nhưng dự án vẫn bất động vì... chưa có vốn! Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh, khiến người dân nản.

Theo ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT thì, một trong những nguyên nhân khiến môi trường nuôi thủy sản ngày càng ô nhiễm trầm trọng, thiệt hại xảy ra ở mức nặng nề hơn là do người dân phớt lờ khuyến cáo của ngành chuyên môn. “Muốn kiểm soát được môi trường, giải pháp căn cơ là phải quy hoạch và đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng nuôi tôm. Muốn làm được điều này, ngoài nguồn lực đầu tư tương xứng thì cần sự quyết tâm của chính quyền các địa phương”, ông Tô khẳng định.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.