(Báo Quảng Ngãi)- Tết của người Việt dần quay trở lại "Tết xưa" với xu hướng mua sắm những sản phẩm truyền thống. Điều đó làm cho các làng nghề bánh, mứt đang dần "sống" lại...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Rộn ràng ở lò bánh, mứt
Mỗi ngày, các lò bánh, mứt ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) xuất bán cả tấn bánh nổ, bánh thuẩn, mứt gừng. Bà Nguyễn Thị Tư, thôn An Hội, xã Nghĩa Trung cho biết: "Năm nay mưa lũ dữ quá, nên vào vụ chậm hơn mọi năm. Vì thế, phải tăng tốc cho cho kịp các đơn đặt hàng".
Rim mứt gừng phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu - 2017. |
Nhà bà Tư làm mứt gừng, thị trường chủ yếu là các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Mỗi năm bà Tư chỉ làm một mùa mứt, nhưng thu nhập hơn cả năm làm lúa, trồng rau. Bởi thế, với những người dân quê có nghề truyền thống làm bánh, mứt thường mong Tết đến. Đó là thời điểm bận rộn, nhưng vui và có thu nhập, bù đắp những tháng ngày dài trong năm vất vả với cây lúa, cây rau mà thu nhập bấp bênh, thậm chí là thua lỗ.
Bà Tư cho biết: "Năm nay đơn hàng ít, nhưng số lượng lớn. Họ yêu cầu cũng khác hơn trước do thị hiếu tiêu dùng thay đổi. Gừng không xả quá trắng mà phải giữ màu gốc, xắt lát mỏng, ít đường. Trước mình làm gừng dày, đường nhiều gấp đôi bây giờ. Giá bán có nhích hơn, dao động từ 100.000 - 140.000 đồng/kg tùy theo loại mứt".
Lò mứt của nhà bà Tư có 10 lao động nữ. Họ cũng là những nông dân, làm mứt để kiếm thêm thu nhập. Ở thôn An Hội, ngoài làm mứt, nhiều nhà còn làm bánh thuẩn, bánh nổ ngon nổi tiếng, cũng đang hối hả vào vụ.
Ảm đạm làng bánh tráng
Mùa Tết này, các làng nghề bánh tráng vẫn đang "bếp lạnh". Mưa bão đi qua, những ngày sau đấy không có nắng, nên không thể làm bánh tráng được.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) cho biết: "Không có nắng, bánh tránh ra cứ co lại, không đẹp, khi nướng không phồng. Có mua than sấy thì bánh cũng không đẹp bằng có nắng. Với lại, làm bánh tráng chủ yếu lấy công làm lời, nếu mua than sấy thì không đủ chi phí".
Trước khi mưa đến, gia đình bà Hạnh đã bắt đầu vào vụ Tết, nhưng đơn hàng khi ấy còn ít, nên số lượng làm ra không nhiều. Gia đình cũng không ngờ năm nay mưa lũ về muộn, nên không tập trung làm trước lũ. Hơn 20 ngày nay, nhà bà Hạnh và những người làm bánh tráng trong vùng vẫn chưa đỏ lửa trở lại...
Hiện tại, nhu cầu đặt hàng của các tiểu thương đối với mặt hàng bánh tráng đang tăng cao, nhưng việc sản xuất lại không đáp ứng. Một số tiểu thương đã lấy hàng từ nơi khác về. Bánh sản xuất theo dây chuyền công nghiệp đẹp, nhưng người tiêu dùng dường như vẫn dành tình cảm đặc biệt cho bánh tráng thủ công. Tuy nhiên, theo các chủ lò bánh tráng trong tỉnh, nếu thời tiết nắng ráo độ vài hôm là lại nhóm lửa tráng bánh bình thường. Từ giờ đến Tết còn gần một tháng, làng nghề bánh tráng đang ngóng nắng xuân giòn giã sớm về...
Sản phẩm làng nghề cũng cần "danh phận"
Người tiêu dùng đánh giá bánh mứt truyền thống của các làng nghề Quảng Ngãi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, hình thức đóng gói, cung cấp thông tin trên bao bì hầu hết chưa đúng quy cách. Thậm chí, nhiều sản phẩm không ghi xuất xứ, hạn dùng. Người tiêu dùng khi mua hàng cũng không đòi hỏi hàng hóa phải có thời hạn sử dụng; người sản xuất hàng thì làm tận tâm như thể sản phẩm ấy dùng cho người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, theo ông Võ Minh Tâm - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường, cho biết: "Về nguyên tắc, sản phẩm bất kỳ nào trên thị trường cũng phải tuân thủ các quy định về nhãn mác, xuất xứ. Có thể sản phẩm bánh, mứt truyền thống an toàn cho người sử dụng, nhưng rất có thể sẽ bị hàng trôi nổi trà trộn, gây ảnh hưởng, thiệt thòi cho người tiêu dùng. Vì thế, dù là hàng truyền thống vẫn phải có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng mới được phép lưu thông".
Bài, ảnh: THANH NHỊ