(Baoquangngai.vn)- Trong phát triển công nghiệp hiện nay, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì thế, vấn đề xử lý chất thải, nước thải cần được quan tâm đầu tư.
Công nghiệp đe dọa môi trường sống
Khu công nghiệp (KCN) Quảng Phú nằm ở ngoại ô TP.Quảng Ngãi, thế nhưng lại nằm giữa khu dân cư đông đúc. Nhiều năm qua, vấn nạn ô nhiễm môi trường ở KCN này luôn khiến người dân bức xúc. Nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị câu chuyện môi trường sống của họ đang bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm không khí và nước thải.
Khu xử lý chất thải tập trung ở KCN Quảng Phú được đầu tư khá bài bản. |
Dù đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo môi trường, khi tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải có quy mô khá lớn tại đây. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường dường như vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, trước tình trạng môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ Nhà máy chế biến thủy sản Hoàng Rin, UBND tỉnh đã quyết định chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp này.
Còn tại KCN Tịnh Phong, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, đến nay KCN này vẫn chưa được đầu tư trạm xử lý nước thải và chất thải tập trung, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy xử lý và xả ra môi trường không theo một quy chuẩn nào. Mới đây, người dân xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) phản ảnh Công ty TNHH Việt Quang xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, dù đơn vị này đã tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng.
Cần đảm bảo môi trường
Bài toán về môi trường đang đặt ra nhiều thách thức cho các ngành chức năng và chính quyền các cấp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một khu kinh tế, 3 KCN, 11 cụm công nghiệp, 22 làng nghề và hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trung bình mỗi ngày, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường hàng triệu mét khối nước thải.
Để bảo vệ môi trường, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý các "điểm nóng" gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 800 vụ vi phạm về môi trường, với 106 tổ chức, 843 cá nhân. Đã khởi tố điều tra 45 vụ, với 73 bị can. Xử lý hành chính 502 vụ, 104 tổ chức, 463 cá nhân, phạt trên 3,3 tỷ đồng, đồng thời chuyển cho các cơ quan khác tiếp tục xử lý 254 vụ với 307 đối tượng.
Mặc dù công tác thanh, kiểm tra xử lý luôn được thực hiện một cách triệt để. Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường ở các KCN, CCN làng nghề, theo nhiều doanh nghiệp không nằm ở việc doanh nghiệp tự xử lý chất thải, mà Nhà nước cần phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải công nghiệp tập trung. Có như vậy, nguồn chất thải, nước thải đưa ra môi trường mới đảm bảo an toàn.
Cái khó trong giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm CN là nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung quá lớn. Bên cạnh việc nhà nước chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung (do thiếu tiền) là ý thức của các doanh nghiệp về xử lý môi trường. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú tâm đến lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh, chứ chưa thật sự quan tâm đến vấn đề môi trường, nên nhiều lúc, doanh nghiệp cố tình vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
Bài, ảnh: L.ĐỨC