(Báo Quảng Ngãi)- Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có hạ tầng giao thông, cảng biển tương đối thuận lợi, Quảng Ngãi có tiềm năng, thế mạnh để phát triển các hoạt động logistics. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này không nhiều và đa số là các DN nhỏ và vừa, nguồn vốn ít, cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu...
TIN LIÊN QUAN
Thực trạng
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực logistics, chủ yếu làm dịch vụ vận chuyển và cho thuê kho bãi, vì hàng hóa tiêu dùng tại tỉnh chủ yếu mua ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hàng hóa qua cảng chủ yếu là dầu thô, các sản phẩm xăng, dầu từ NMLD Dung Quất, thiết bị cơ khí của Công ty Doosan Vina, dăm gỗ...
Theo thống kê, hàng hóa qua cụm cảng Dung Quất năm 2015 đạt khoảng 17,24 triệu tấn, tăng 27% so với năm 2010. Trong đó, hàng hóa nhập khẩu gần 7,2 triệu tấn, chiếm 41,7% tổng lượng hàng hóa qua cảng, hàng xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn; hàng nội địa trên 6 triệu tấn. Riêng 10 tháng năm 2016, tổng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 15 triệu tấn, trong đó hàng xuất khẩu trên 3,3 triệu tấn; hàng nhập khẩu gần 1,85 triệu tấn và hàng nội địa 9,7 triệu tấn.
Hoạt động xếp dỡ hàng hóa và vận tải biển tại cảng quốc tế Gemadept Dung Quất. |
Với khoảng 17,24 triệu tấn, hàng hóa qua cụm cảng Dung Quất năm 2015 đã đứng thứ 5 cả nước. Tuy nhiên, đến nay Quảng Ngãi vẫn chưa hình thành được DN chuyên vận tải hàng hóa bằng đường thủy, chưa trang bị được các tàu vận tải có quy mô lớn.
Nguyên nhân chủ yếu do hàng hóa qua hệ thống cảng Dung Quất chủ yếu là dầu thô, các sản phẩm xăng dầu từ NMLD Dung Quất, thiết bị cơ khí của Công ty Doosan Vina, dăm gỗ... cần những phương tiện vận tải có tải trọng lớn, hiện đại. Tuy nhiên, hiện DN kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh chưa đủ năng lực về tài chính, con người, quản lý điều hành để thực hiện dịch vụ này.
Chỉ riêng Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ngãi – doanh nghiệp chuyên kinh doanh dăm gỗ xuất khẩu, năm 2015 đã trang bị được 60 – 70 xe chuyên dụng để vận chuyển dăm gỗ xuất khẩu. Mặt khác, các sản phẩm chuyên dụng như thiết bị cơ khí của Doosan Vina do đơn vị này trực tiếp vận chuyển bằng tàu chuyên dụng tại cảng của công ty.
Các phương tiện còn lại các doanh nghiệp nhỏ lẻ tự đầu tư, khai thác kinh doanh dịch vụ như: xếp, dở hàng hóa, đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển, hoa tiêu hàng hải, sửa chữa, đóng mới, vận tải xăng dầu, vận chuyển hàng hóa... nhưng với quy mô nhỏ, sức cạnh tranh kém.
Định hướng phát triển
Trong thời gian qua, nước ta đã hoàn tất việc ký kết một số Hiệp định Thương mại tự do với một số đối tác như Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á, Âu và kết thúc đàm phán với các đối tác quan trọng như EU, TPP, trong đó Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc và Việt Nam- Liên minh kinh tế Á, Âu đã có hiệu lực.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng miền Trung - Tây Nguyên sẽ hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi nằm trong phạm vi hoạt động của 2 trung tâm logistics thuộc Hành lang kinh tế đường 14B và Hành lang kinh tế đường 19 và duyên hải Nam Trung Bộ.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 2 trung tâm logistics tại Khu dịch vụ cảng Dung Quất và khu vực phía nam của tỉnh (huyện Đức Phổ). Trong thời gian đến, tỉnh ta sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng và nguồn lực tài chính lập dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại 2 điểm đã được UBND tỉnh quy hoạch để nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa.
Tại Hội thảo liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là các doanh nghiệp logistics, DN vận tải biển (kể cả DN bảo hiểm và ngân hàng) của Quảng Ngãi và các tỉnh trong khu vực phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các DN xuất nhập khẩu. Qua đó nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Bài, ảnh: PHẠM DANH