Bàn giải pháp phát triển logistics Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

02:11, 10/11/2016
.

Chiều 9/11, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo về liên kết xây dựng hệ thống logistics và trung tâm logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Thế Phong
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Thế Phong


Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết sau 8 năm thành lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế Vùng duy trì ở mức khá. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông, không ngừng được đầu tư và phát triển.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh được cải thiện, sự kết nối được tăng cường, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Để đạt được mục tiêu đó, Vùng đã xác định những định hướng phát triển cụ thể, trong đó dịch vụ logistics được xem là một ngành đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ khai thác lợi thế của Vùng về hạ tầng giao thông, cảng biển để phát triển và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng phát triển được logistics là giải quyết được vấn đề giảm chi phí vận tải trong khu vực. Muốn phát triển dịch vụ logistics thì chúng ta phải đánh giá được tiềm năng, đó là lượng hàng hoá để chở, đồng thời xác định được thể chế cho phát tiển logistics và trung tâm logistics của Vùng.

Phân tích những cơ hội và thách thức đối với logistics, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều cơ hội phát triển logistics về cả chính sách và điều kiện phát triển, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đã xác định vùng miền Trung-Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế...

Tuy nhiên, do thị thường tại chỗ còn hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa được đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển… dẫn tới thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được nguồn hàng dồi dào cho các cảng biển. Bên cạnh đó, quy mô xuất nhập khẩu của Vùng còn quá nhỏ, chưa tạo được động lực thúc đẩy ngành logistics phát triển.

Trên cơ sở phân tích trên, ông Lê Duy Hiệp khẳng định phát triển logistics của Vùng cần hội tụ đủ 3 điều kiện tiên quyết: Cần có một nhạc trưởng (nhà nước), các nhạc công chuyên nghiệp (công ty cung cấp dịch vụ logistics) và quan trọng nhất là cần bảo đảm tính liên tục thu hút được các bản nhạc hay, đó chính là các chủ hàng.
 

Hàng container qua cảng Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Thế Phong
Hàng container qua cảng Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Thế Phong


Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, để logistics phát triển được phải dựa trên cơ sở phát triển công nghiệp, hàng hoá khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ông Sia cho rằng cần tạo được nguồn hàng phong phú, đồng thời nên thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát xây dựng chiến lược phát triển logistics của Vùng.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng khuyến nghị các địa phương, đơn vị cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp logistics hoạt động, hỗ trợ trong đầu tư các phương tiện vận tải…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: Với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện nay, Bộ đang tập trung vào việc làm sao nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển của 5 tỉnh, thành phố vì khả năng khai thác của các cảng này còn hạn chế, lượng hàng hóa qua cảng còn quá thấp.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, Bộ GTVT có quy hoạch các cảng tạm kết nối với nhau, đồng thời dự kiến xây dựng phát triển 4 tuyến hành lang vận tải theo hướng Đông Tây, gồm: Hành lang Đà Nẵng-Quốc lộ 1A-Quốc lộ 19-biên giới Việt Lào; Đà Nẵng-Quốc lộ 14B-14D-đường Hồ Chí Minh-Tây Nguyên; Dung Quất-Tây Nguyên; Quy Nhơn-Quốc lộ 19 nối với Tây Nguyên.

“Thông qua 4 hành lang này cộng với hệ thống cảng biển, chúng ta có thể gom hàng hóa được ở các khu vực từ Tây Nguyên, Lào…, sau đó sẽ chuyển về các cảng 5 tỉnh, thành phố, rút ngắn được đường đi của hàng hóa”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Điểm thứ hai khá quan trọng là xúc tiến xây dựng cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) thành cảng nước sâu, là cảng quan trọng nhất của khu vực miền Trung. Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng triển khai xúc tiến Dự án này, dự kiến sau năm 2020 bắt đầu triển khai xây dựng và đưa vào khai thác.
 

Theo Thế Phong/Chinhphu.vn

 


.