(Báo Quảng Ngãi)- Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa xây dựng khang trang; những căn nhà ọp ẹp dần dần không còn nữa; thu nhập của người dân tăng lên... Đó là những điều đã và đang hiện hữu ở nông thôn huyện miền núi Sơn Hà.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật
Sau 5 năm (2011 - 2015) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Sơn Hà đã đổi thay đáng kể. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện chung sức, đồng lòng thực hiện.
Nhà Văn hóa thôn Gò Da, xã Sơn Linh (Sơn Hà) khá khang trang, là nơi sinh hoạt của người dân trong vùng. |
Với đặc thù là địa bàn vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên công tác tuyên truyền được huyện Sơn Hà đặt lên hàng đầu. Huyện ủy tập trung chỉ đạo tuyên truyền giúp người dân hiểu xây dựng NTM là làm cho cuộc sống của chính gia đình mình tốt hơn. Từ đó, nhân dân tích cực hưởng ứng góp công, góp của cùng với nguồn lực Nhà nước đầu tư xây dựng những con đường lớn, những cây cầu vững chắc, khu dân cư, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... khang trang. Những công trình này thiết thực phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Xác định xây dựng nông thôn mới là khơi dậy sức dân, chính quyền huyện Sơn Hà đã vận động nhân dân hiến gần 10.000m2 đất để làm đường, trường mẫu giáo, kênh mương nội đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Những người trong độ tuổi lao động đã đóng góp gần 13.000 ngày công và hàng chục triệu đồng thực hiện xây dựng hạ tầng nông thôn.
Huyện Sơn Hà phấn đến năm 2020 đưa xã Sơn Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 2 xã điểm của huyện là Sơn Hạ và Sơn Kỳ phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt từ 17- 19 tiêu chí; 11 xã còn lại đạt từ 10 - 15 tiêu chí; bình quân số tiêu chí của xã là 15 tiêu chí; không có xã dưới 5 tiêu chí. Tổng kinh phí thực hiện trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn này gần 1.500 tỷ đồng. |
Hiện tại, đường trục xã, liên xã đã được bê tông hơn 30%; đường trục thôn 15%; đường trục chính nội đồng được đầu tư cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Sơn Hà đã đầu tư xây dựng 6 cây cầu dân sinh, 66 cống thoát nước. Đến nay, 100% thôn trên địa bàn các xã đã có đường ô tô đến thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và lưu thông hàng hóa.
Về tiêu chí điện, huyện đã huy động các nguồn lực để xây dựng mới 4,3 km đường dây trung, hạ thế, với tổng kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện lên trên 92%. Đặc biệt, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản, đáp ứng nhu cầu dạy và học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện có 6/39 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất (cấp độ 1) và hiện tại xã Sơn Thành đã đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí trường học.
Đối với nhà ở của người dân, huyện đã huy động hơn 127 tỷ đồng để xây dựng 5.291 "nhà 167" cho dân. Hiện nay đã làm xong 4.068 nhà. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn chính sách định canh, định cư, huyện đã đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng 19 điểm định canh, định cư tập trung và xen ghép, tạo điều kiện cho 371 hộ, 859 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có nơi ở ổn định. Hiện tại huyện có một xã đạt chuẩn quốc gia về nhà ở theo bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
"Nhà 167" của người dân xã Sơn Kỳ (Sơn Hà). |
Cải thiện thu nhập cho người dân
Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn trực tiếp thực hiện chương trình và các nguồn vốn lồng ghép từ những chương trình khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh... Sơn Hà đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề ở nông thôn, nhằm tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Trong đó, Sơn Hà đã lồng ghép từ các nguồn vốn với tổng kinh phí 35 tỷ đồng, triển khai thực hiện 38 mô hình với 606 hộ tham gia.
Đây là những chương trình trình diễn, nhằm áp dụng những giống mới có năng suất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất; hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nhằm từng bước thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ hàng chục nghìn con bò, trâu, heo, gà giống với tổng kinh phí gần 27 tỷ đồng cho người dân phát triển chăn nuôi.
Ngoài ra, từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, đến nay trên địa bàn huyện Sơn Hà đã thực hiện giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo gần 480 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4 triệu năm 2011, lên 9,7 triệu đồng năm 2015; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64% xuống còn 29%.
Chung sức, đồng lòng xây dựng NTM
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM những năm qua, giai đoạn 2016 - 2020, Sơn Hà tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Sơn Hà chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, kêu gọi sự đồng thuận trong xã hội; phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, tư tưởng trông chờ, ỷ lại để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Đường giao thông nông thôn xã Sơn Thủy (Sơn Hà) được đầu tư xây dựng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". |
Bà Đinh Thị Thanh Hường- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, mục tiêu mà Sơn Hà hướng đến là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, từng bước hiện đại bền vững; hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Bài, ảnh: THANH NHỊ