Tăng trưởng tín dụng 30a: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

02:10, 04/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc triển khai Chương trình tín dụng theo Nghị quyết 30a thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã giúp nhiều hộ dân ở 6 huyện miền núi trong tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, số đối tượng được hưởng chính sách vẫn còn thấp, trong khi nhiều hộ lại đi vay ở một số gói tín dụng khác, với lãi suất cao gấp đôi...

TIN LIÊN QUAN

 

Tiếp tục đẩy mạnh cho vay nguồn vốn 30a
Lâu nay, nguồn vốn ưu đãi 30a tại Agribank vẫn luôn dồi dào. Do đó, không có lý do gì mà ngân hàng không cho vay, trừ khi người dân không có nhu cầu. Trong thời gian đến, Agribank tiếp tục chỉ đạo cán bộ tín dụng, các chi nhánh huyện triển khai mạnh cho vay nguồn vốn này. Bên cạnh đó, để nguồn vốn đến đúng đối tượng hưởng lợi buộc phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương và các hội đoàn thể.
Ông NGUYỄN THIÊN PHIẾN –  Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi.
Động lực phát triển sản xuất

Cách đây 5 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Nữ, ở Long Hiệp (Minh Long) thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2013, Agribank - Chi nhánh huyện Minh Long cho bà Nữ vay 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Không chỉ được hưởng mức ưu đãi lãi suất 3,5%/năm, gia đình bà Nữ còn được các cán bộ Agribank hướng dẫn các thủ tục để vay và giải ngân nguồn vốn kịp thời. Nhờ vậy đến nay, gia đình bà Nữ đã thoát được nghèo.

Bà Nữ chia sẻ: “Nếu không có ngân hàng cho vay với ưu đãi lãi suất để mua bò, heo chăn nuôi thì chắc cuộc sống gia đình tôi còn khổ. Mong rằng, trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi này để tôi có thể mở rộng sản xuất, chăn nuôi”.

Không riêng gì những hộ vay nhỏ lẻ chỉ vài chục triệu đồng, mà tại huyện Trà Bồng, Agribank cũng đã tạo điều kiện cho anh Lê Minh Xuân ở thị trấn Trà Xuân vay 900 triệu làm kinh tế trang trại. “Mặc dù hồ sơ thủ tục hơi rườm rà, vì phải có chứng nhận tiêu chí trang trại của huyện mới được vay, nhưng tôi rất mừng vì đã vay được vốn với lãi suất thấp để có thể đầu tư vào trang trại chăn nuôi heo. Với nguồn vốn ưu đãi này sẽ giúp tôi nhẹ gánh hơn trong việc trả lãi hằng tháng”.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Giám đốc Agribank - Chi nhánh  Trà Bồng cho biết: "Theo quy định, tất cả các tổ chức, cá nhân ở trên địa bàn huyện miền núi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đều được ngân hàng cho vay vốn theo Nghị quyết 30a. Agribank luôn tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc khiến ngân hàng khó có thể cho vay nhiều hơn".

Còn nhiều vướng mắc

Với những ưu đãi về lãi suất như vốn vay 30a lẽ ra sẽ có rất nhiều hộ vay để phát triển kinh tế, nhất là trồng rừng. Thế nhưng, sau hơn 6 năm thực hiện, dư nợ tại Agribank Quảng Ngãi chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng. Vậy tại sao nguồn vốn này lại giải ngân thấp?
 

 

Nhiều hộ dân miền núi cần vốn chính sách để trồng rừng.
Nhiều hộ dân miền núi cần vốn chính sách để trồng rừng.

Theo quy định, Chương trình vay vốn 30a tại Agribank ở 6 huyện miền núi thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ. Theo đó, những cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, bên vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy xác nhận của địa phương là sử dụng vốn đúng mục đích. Riêng đối với hộ vay vốn trồng rừng phải có sổ lâm bạ, hoặc giấy xác nhận của địa phương là có diện tích đất rừng.

Khoảng 10 năm trở lại đây, cây keo đã trở thành cây trồng chủ yếu mang lại thu nhập cao cho người dân các huyện miền núi.

Thế nhưng, có một thực tế tồn tại lâu nay là vấn đề làm sổ đỏ cho diện tích đất rừng ít được người dân quan tâm, mà chủ yếu theo kiểu “cha truyền con nối”. Ngoài ra, có rất nhiều hộ do không có đất nên mua lại đất của hộ khác hoặc thuê, mua có thời hạn nên không có sổ đỏ. Chính “đòi hỏi” này đã khiến cho nhiều hộ dù muốn vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nhưng không  thực  hiện được.

Theo lý giải của ngân hàng, sổ lâm bạ tuy không phải là tài sản thế chấp, nhưng đây là “chứng cứ” chứng minh phương án làm ăn của người vay. Bởi địa hình miền núi phức tạp, phần lớn nằm ở núi cao, nên nếu không có sổ đỏ hoặc không có chứng nhận của chính quyền địa phương thì cán bộ ngân hàng không thể nào chứng thực để cho vay được.

Ngoài ra, tuy Chương trình vốn vay 30a đã triển khai hơn 6 năm, nhưng đến nay vẫn còn một số hộ chưa biết về chính sách này. Một khách hàng đến giao dịch tại Agribank - Chi nhánh Trà Bồng cho biết: “Do thiếu vốn trồng rừng và nuôi bò nên có đến ngân hàng nông nghiệp vay vốn, nhưng không biết có chương trình vay ưu đãi 30a. Nếu vay được nguồn vốn này thì tốt biết mấy!”.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Trao đổi về việc cần tăng trưởng tín dụng đối với Chương trình vốn 30a, đại diện lãnh đạo Agribank Quảng Ngãi cho rằng, sau khi có quy định, ngân hàng đã tích cực triển khai xuống từng cán bộ tín dụng. Đồng thời, thông qua tổ vay vốn là các hội đoàn thể để triển khai cho người dân biết. Hiện nguồn vốn ở ngân hàng còn rất nhiều nên ngân hàng sẵn sàng triển khai cho vay.
 
“Trong thời gian tới, bất kỳ khách hàng nào thuộc 6 huyện miền núi trong tỉnh có nhu cầu thì hãy đến các chi nhánh của Agribank đóng trên địa bàn. Thủ tục vay vốn cũng khá đơn giản. Chỉ cần đối tượng vay chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh khả thi thì có thể giải ngân vốn ngay. Nếu cán bộ ngân hàng nào không phục vụ người dân, cố tình móc nối ăn chia lập tức sẽ bị kỷ luật. Và thực tế, Agribank cũng đã xử lý một số cán bộ vi phạm”, ông Đinh Văn Công – Giám đốc Agribank Quảng Ngãi nói.

Còn về phía chính quyền địa phương cũng cần quan tâm hơn đến việc tuyên truyền chính sách vay vốn ưu đãi đến người dân. Trong đó, vấn đề làm sổ lâm bạ cho người dân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, đối với những hộ chưa có sổ đỏ thì chính quyền địa phương cần phải sâu sát và mạnh dạn xác nhận để người dân có đủ điều kiện vay vốn ưu đãi. Có như vậy, số đối tượng được hưởng nguồn vốn này mới được nâng lên. Điều này đồng nghĩa với nhiều người sẽ có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế vùng cao.
 

*Ông Trần Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBDN xã Long Hiệp (Minh Long): Tạo cơ sở pháp lý để người dân vay vốn.
Thời gian qua, với trách nhiệm của mình, địa phương cũng đã xác nhận nhiều diện tích đất rừng cho người dân để họ đủ “cơ sở pháp lý” vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn còn gặp phải một số vướng mắc, như người dân ở Long Hiệp đi thuê, mua lại đất rừng ở xã Long Môn nên khó xác định được người đó có đất rừng hay không. Một khi không thể xác nhận được thì đối tượng có đất rừng này không thể vay vốn.
 

*Ông Nguyễn Vũ Hảo – Giám đốc Agribank - Chi nhánh huyện Minh Long: Tích cực phối hợp với các hội đoàn thể và chính quyền địa phương trong giải ngân vốn vay lãi suất ưu đãi.
Tính đến hết tháng 8.2016, số tiền cho vay theo Chương trình 30a trên địa bàn Minh Long là 22 tỷ đồng. Số tiền cho vay tuy nhỏ, nhưng so với dân số ít ở Minh Long đã là một sự cố gắng. Tuy nhiên, để có nhiều đối tượng được thụ hưởng, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, giải quyết hồ sơ thủ tục vay vốn cho người dân.
 

*Bà Hồ Thị Hồng – người dân ở xã Trà Sơn (Trà Bồng): Ngân hàng cần tạo điều kiện hơn cho người vay vốn.
Không riêng gì tôi mà có rất nhiều hộ muốn vay vốn để trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn mà ngân hàng nông nghiệp cho vay còn ít. Có những hộ muốn vay để mua thêm rừng và khai thác keo nhưng ngân hàng chỉ cho vay 50 triệu đồng. Trong khi nhu cầu vốn gấp ba lần nên những người biết làm ăn đành vay ở các ngân hàng thương mại khác với lãi suất cao hơn rất nhiều...


Bài, ảnh: HỒNG HOA




 

.