Yếu tố quyết định cho tăng trưởng công nghiệp

03:09, 15/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định, phát triển công nghiệp (CN) là một trong ba nhiệm vụ đột phá, với chỉ tiêu đề ra đến năm 2020, giá trị sản xuất CN đạt khoảng 113.000 tỷ đồng. Yếu tố quyết định cho tăng trưởng CN của tỉnh trong thời gian đến, chính là đẩy mạnh phát triển các ngành CN chủ lực, cùng với ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch...

TIN LIÊN QUAN

Những con số ấn tượng

Đóng góp lớn nhất cho sự phát triển, tăng trưởng của ngành CN Quảng Ngãi những năm gần đây chính là CN lọc hóa dầu, hóa chất. Theo thống kê, năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất đạt 89.156 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,4% tổng giá trị sản xuất ngành CN của tỉnh, trong đó ngành lọc hóa dầu đạt 88.806 tỷ đồng (83%) và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 3,9%/năm. Đạt được kết quả trên, chính là nhờ sản phẩm của NMLD Dung Quất – hạt nhân phát triển của KKT Dung Quất.

Ngành CN cơ khí, gia công kim loại là một trong những ngành chủ lực, đóng góp quan trọng vào tăng giá trị sản xuất CN của tỉnh. Trong ảnh: Cẩu trục siêu trường, siêu trọng được sản xuất tại nhà máy của Doosan Vina.
Ngành CN cơ khí, gia công kim loại là một trong những ngành chủ lực, đóng góp quan trọng vào tăng giá trị sản xuất CN của tỉnh.
Trong ảnh: Cẩu trục siêu trường, siêu trọng được sản xuất tại nhà máy của Doosan Vina.


Cùng với lọc hóa dầu, các ngành công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu biển, điện tử, công nghệ thông tin cũng có sự phát triển khá, với giá trị sản xuất năm 2015 đạt 6.330 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng giá trị sản xuất các ngành CN của tỉnh. Bình quân giai đoạn 2011 – 2015 tốc độ tăng trưởng các ngành CN này đạt 36,2%/năm. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ hoạt động của Doosan Vina tại KKT Dung Quất, với các sản phẩm máy móc thiết bị nặng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước, kim ngạch xuất khẩu hằng năm cao. Riêng lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin có hai nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử Foster và Sumida (KCN Tịnh Phong), với tổng công suất trên 600 triệu sản phẩm/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.

Một ngành CN khác có đóng góp quan trọng vào tổng giá trị sản xuất CN của tỉnh nữa là, công nghiệp thực phẩm và đồ uống. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành này đạt 5.812 tỷ đồng, chiếm 5,4% tổng giá trị sản xuất CN của tỉnh, tăng bình quân 4,6%/năm. Ngành CN này có bước phát triển khá nhờ khai thác tốt lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến. Trong đó, nổi trội là các sản phẩm: Đường RS, sữa, bia, nước khoáng, nước ngọt, bánh kẹo, thủy sản chế biến và tinh bột mì của một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Nông sản thực phẩm, Công ty CP Bia Sài Gòn–Quảng Ngãi.

Cần phát huy tối đa vai trò các ngành CN chủ lực

Có thể nói, CN đã đóng góp lớn vào quy mô và tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP tăng bình quân 7,9%/năm); là động lực chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo thêm nhiều việc làm mới có thu nhập ổn định cho nhân dân.

Tuy nhiên, sự phát triển CN của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào ngành lọc hóa dầu, các ngành CN khác chiếm tỷ trọng quá thấp (17%). Cùng với đó, trình độ phát triển CN ở tỉnh còn hạn chế. Ngoài số ít dự án quy mô lớn mới đầu tư những năm gần đây như: NMLD Dung Quất, DoosanVina, Sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy, Bia Dung Quất, Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi có công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường, trình độ quản lý tiên tiến, thì hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất CN khác có quy mô vừa và nhỏ. Máy móc thiết bị ở mức trung bình, hoặc dưới trung bình, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập thấp.

 Ngành CN lọc hóa dầu đang đóng góp 83% tổng giá trị sản xuất các ngành CN của tỉnh.
Ngành CN lọc hóa dầu đang đóng góp 83% tổng giá trị sản xuất các ngành CN của tỉnh.


Thực tế trên đặt ra yêu cầu hiện nay là phải phát huy tối đa vai trò các ngành CN chủ lực, thế mạnh của tỉnh; đồng thời khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế hiện có để phát triển các ngành, sản phẩm CN mới, chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Trong đó, với KKT Dung Quất chúng ta cần phát triển có chọn lọc các ngành CN, trên cơ sở khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của KKT.

Theo ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Quảng Ngãi đã làm việc với PVN và Bộ Công thương để kiến nghị Chính phủ quy hoạch KKT Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia. Nếu được, đây là sự đột phá thu hút đầu tư giai đoạn 2016 – 2020. Cùng với chủ trương thu hút các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, các dự án điện khí sẽ được ưu tiên để chủ động đón dòng khí đưa từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ.

Đồng thời tiếp tục mời gọi các dự án hóa dầu, để sau năm 2020 hình thành tổ hợp hóa dầu đồng bộ với Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Chuỗi dự án này là nền tảng vững chắc để sớm hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất.


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.