(Báo Quảng Ngãi)- Bám biển mưu sinh là mục đích chính của ngư dân, nhưng khi nghe có tàu thuyền gặp nạn, ngư dân sẵn sàng bỏ phiên biển đến hỗ trợ, ứng cứu.
TIN LIÊN QUAN
Thoát nạn nhờ bạn
Tàu hỏng, phải trở về tay không, nhưng ngư dân Huỳnh Dần, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn vui. “Chúng tôi may mắn lắm mới trở về nhà an toàn. Xem như của đi thay người vậy!”, ông Dần bộc bạch. Vào giữa tháng 8.2016, ông Dần cùng 4 lao động đang đánh bắt tại vùng biển Nam Trung Bộ, thì bất ngờ gặp gió lốc, kèm mưa to. Nước tràn vào khoang, khiến tàu chết máy. Ông Dần vừa kịp phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp thì tàu chìm. Tất cả 5 người trên tàu phải bám xuồng và trông chờ... may mắn.
Lênh đênh trên biển giữa lúc mưa to, gió lớn, mọi người trên tàu ông Dần ngỡ mình sẽ không còn cơ hội trở về nhà. Đúng lúc ấy, tàu cá của ông Phạm Văn Tin ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) xuất hiện, ứng cứu. “Khi tàu anh Tin cập cảng Hòn Rớ an toàn, tôi mới tin là mình còn sống”, ông Dần xúc động.
Tàu của ngư dân Huỳnh Văn Khanh trở về sau khi ứng cứu thành công tàu ông Võ Văn Lựu. |
Còn ngư dân Võ Văn Lựu, xã Bình Châu (Bình Sơn) và 5 thuyền viên cũng chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại phiên biển đầu tháng 7.2016. Khi đang hành nghề lặn tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì ngày 9.7, tàu ông Lựu bị tàu Trung Quốc xua đuổi và đâm chìm. Giữa lúc biển động mạnh, lại bị tàu Trung Quốc kìm kẹp, nên ông Lựu lo lắng, chẳng biết có tàu nào đến ứng cứu hay không.
Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, ông Lựu và 4 thuyền viên đã vỡ òa hạnh phúc, khi nhìn thấy một chiếc tàu đang tăng tốc tiến về phía mình. Đó là tàu của người hàng xóm Huỳnh Văn Khanh. Nhờ sự ứng cứu kịp thời ấy, toàn bộ thuyền viên trên tàu ông Lựu được cứu sống và trở về nhà an toàn.
Mạng người là quan trọng
Bám biển để mưu sinh luôn là mục tiêu chính của ngư dân. Nhưng nhiều phiên biển, ngư dân sẵn sàng bỏ dở, bất chấp hiểm nguy, để ứng cứu tàu thuyền gặp nạn. Với ngư dân Đặng Bi, xã Bình Châu (Bình Sơn), chuyện bỏ phiên biển để cứu người là bình thường. Giữa tháng 8.2016, tàu của người hàng xóm Dương Văn Diên bị giông lốc đánh chìm, khi đang hoạt động ở ngư trường Trường Sa.
Nhận tín hiệu cấp cứu, dù trời đang mưa to, gió lớn, biển lại động mạnh, nhưng thay vì tìm nơi trú bão an toàn, ông Bi lại cho tàu chạy vào “tâm gió” để ứng cứu. Nhờ sự giúp đỡ của ông Bi, 15 thuyền viên trên tàu ngư dân Dương Văn Diên thoát nạn trong gang tấc.
Theo chia sẻ của ngư dân, hoạt động trên biển luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc, hiểm nguy, do thời tiết bất thường, trục trặc máy tàu hay bị tàu nước ngoài xua đuổi, cản phá. Song, nhờ phương châm “đi có bạn, ở có đôi” mà ngư dân đã giảm thiểu được những thiệt hại không đáng có. Đơn cử như ông Lựu, ông Diên. Giữa biển cả mênh mông, nếu không có tàu của ông Khanh, ông Bi ứng cứu kịp thời thì có lẽ, hậu quả sẽ rất khó lường.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, khi hoạt động ở ngư trường xa, nhất thiết ngư dân phải đi cùng tổ, đội hoặc nhóm để tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, ngày càng có nhiều ngư dân trong tỉnh tình nguyện tham gia vào các tổ, nghiệp đoàn nghề cá, nhằm gắn kết, giúp đỡ và tương trợ nhau bám biển. “Ra biển mà có bạn là yên tâm lắm. Không chỉ cùng kiếm “lộc” biển, chúng tôi còn bên nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn”, ngư dân Dương Văn Diên chia sẻ.
Bài, ảnh: MỸ HOA