Loay hoay xóa lò gạch thủ công

06:07, 24/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến đời sống người dân do khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi và nguy cơ cháy nổ... nhưng xóa lò gạch thủ công vẵn đang là vấn đề nan giải. Vậy nên, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, vẫn chưa có lời kết.

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 lò gạch thủ công. Các lò gạch này tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động và tập trung chủ yếu ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi…

Điệp khúc lo "thu nhập, việc làm”

Các lò gạch thủ công vốn tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Thế nhưng, với những tác động tiêu cực, việc xóa lò gạch thủ công nhận được sự ủng hộ của người dân và chính quyền cơ sở. Song, vấn đề đặt ra là, nếu xóa lò gạch thủ công thì một lượng lớn lao động sẽ làm gì để đảm bảo cuộc sống?

Ông Nguyễn Giám, chủ một lò gạch thủ công tại thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) cho rằng: “Chủ trương của nhà nước, tôi chấp hành. Nhưng trước khi xóa lò gạch thủ công, nhà nước phải đảm bảo cho chúng tôi cái nghề để sống”. Từ năm 2013, tiếp nhận chủ trương xóa lò gạch thủ công của UBND tỉnh, ông Giám đã đề xuất chính quyền địa phương và ngành chức năng xem xét, bố trí quỹ đất để di chuyển lò gạch thủ công ra xa khu dân cư; đồng thời nghiên cứu hỗ trợ họ trong việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới, thân thiện với môi trường. Song, kiến nghị này đến nay, vẫn chưa được giải quyết.

Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù, việc xóa lò gạch thủ công sẽ vẫn mãi là lộ trình phấn đấu.
Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù, việc xóa lò gạch thủ công sẽ vẫn mãi là lộ trình phấn đấu.


Khi đề cập đến việc ứng dụng công nghệ sản xuất gạch tuy - nen, ông Giám cũng như nhiều chủ lò gạch thủ công ở xã Nghĩa Mỹ bảo không làm được, bởi vốn đầu tư quá lớn, trong khi nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù, còn ngân hàng cũng không mạnh dạn “rót vốn”.  
 

Ngày 26.9.2013, UBND tỉnh ban hành quyết định 222 về việc triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, trước năm 2013, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công trong khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, khu vực gần khu dân cư… tại các huyện đồng bằng. Trước năm 2014, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công tại các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng.

Để không mãi là… lộ trình

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, năm 2013, huyện Nghĩa Hành đã xây dựng phương án và lộ trình xóa 41 lò gạch thủ công, với kinh phí thực hiện gần 2 tỷ đồng. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Vì vậy, ngoài việc vận động, chính quyền huyện Nghĩa Hành cũng loay hoay chưa tìm được cách xóa lò gạch thủ công, vì không có kinh phí hỗ trợ người dân trong việc di dời, chuyển đổi. Do đó đến nay, vẫn chưa có lò gạch thủ công nào trên địa bàn huyện được tháo dỡ.

Đối với huyện Tư Nghĩa, dù đã giảm gần 50% số lò gạch thủ công so với năm 2013, nhưng với 68 lò gạch thủ công còn lại, ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho rằng "rất khó xóa”. Bởi, sản xuất gạch thủ công là nghề truyền thống, là nguồn sống của gần 500 hộ dân và lao động ở các địa phương.

Trong khi đó, UBND tỉnh cũng chưa có hướng chỉ đạo giải quyết, cũng như chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người dân thực hiện chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang gạch không nung. Vậy nên, dù UBND huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa tích cực hướng dẫn, vận động các chủ lò gạch thủ công vào sản xuất tại các cụm công nghiệp (CCN) nhưng bất thành. Lý do các chủ lò gạch thủ công đưa ra là, vào CCN đồng nghĩa với việc mở rộng quy mô và chuyển đổi công nghệ sản xuất, nhưng với nguồn lực eo hẹp nên họ đều từ chối.

Để việc xóa các lò gạch thủ công không mãi là... lộ trình, ông Lê Trung Thành đề nghị UBND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ đặc thù về vốn vay, tiền thuê đất, trang thiết bị máy móc cũng như trợ giá sản phẩm ban đầu giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang không nung. “Nếu cứ để họ mãi tự bơi như hiện nay thì không biết đến bao giờ, các lò gạch thủ công mới được xóa xong”, ông Thành nhận định.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.