(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, ngành thuế được giao thu ngân sách 21.651 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 40% dự toán. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016, áp lực đang dồn vào 6 tháng cuối năm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều địa phương đạt thấp
Một trong những địa phương có nguồn thu hụt cao so với dự toán năm 2016 là huyện Nghĩa Hành. Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện ước đạt trên 17,3 tỷ đồng, đạt trên 35% so dự toán pháp lệnh và dự toán phấn đấu, đạt trên 73% so thực hiện năm 2015.
Trong đó, số thu nội địa không kể tiền sử dụng đất đạt trên 15,2 tỷ đồng, đạt gần 34% dự toán tỉnh giao đầu năm và đạt gần 36% so với chỉ tiêu Cục giao phấn đấu, đạt trên 74% so cùng kỳ. Số thu khác ngân sách do xã, thị trấn và đơn vị khác quản lý ước đạt trên 3,15 tỷ đồng, đạt trên 57% so dự toán pháp lệnh và tỉnh giao phấn đấu, đạt gần 135% so thực hiện năm 2015.
Đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ góp phần tăng thu ngân sách. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư tại Tổ "một cửa" Khu VSIP Quảng Ngãi. |
Ông Ngô Hữu Dư – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Nghĩa Hành cho biết: Chưa có năm nào, huyện Nghĩa Hành lại có số thu đạt thấp như năm nay. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến số thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2016, là do mất nguồn thu về thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trọng điểm, có số thu lớn so cùng kỳ.
Điều đáng nói là nguồn thu này lâu nay huyện được thụ hưởng. Như vậy, hụt nguồn thu này sẽ ảnh hưởng đến hụt chi ngân sách huyện trong năm nay. Tuy nhiên, đây là yếu tố khách quan nên khó có thể khắc phục được.
Không riêng gì Nghĩa Hành, nhiều địa phương khác cũng có số thu đạt thấp. Trong đó, huyện Sơn Tây mới chỉ đạt 27% so với dự toán do Thủy điện Đăkđrinh tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt dân cư vùng hạ lưu, nên nhà máy cắt giảm công suất hoạt động, dẫn đến nộp ngân sách ít.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu – chi
Ông Nguyễn Văn Luyện – Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh tiếp tục ổn định và có chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 4,4% so cùng kỳ; không tính sản phẩm dầu thì tăng hơn 6%. Đa số các sản phẩm công nghiệp đều tăng. Sản lượng lọc hóa dầu đạt 3,4 triệu tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ; sản lượng bia đạt 85,5 triệu lít, tăng hơn 11% so cùng kỳ...
Tuy nhiên, do giá dầu thô thế giới vẫn duy trì ở mức thấp; các nhà máy thủy điện cắt giảm công suất hoạt động do tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt dân cư vùng hạ lưu; một số chính sách thuế thay đổi... đã tác động đến tình hình thu ngân sách 6 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng cuối năm 2016, ngành thuế sẽ nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nguồn hụt thu quá lớn nên khó có thể bù đắp nổi. Khả năng thu cả năm cũng chỉ ước trên 16.714 tỷ đồng, đạt trên 77% dự toán, bằng 62% so thực hiện 2015.
Trong đó, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất 12.300 tỷ đồng, đạt trên 70% dự toán, bằng 53% so cùng kỳ; các khoản thu còn lại trên 4.414 tỷ đồng; đạt trên 107% dự toán, tăng 19% so cùng kỳ. Nếu trừ tiền sử dụng đất thì đạt trên 103% dự toán, tăng trên 17% so cùng kỳ.
Theo dự báo của ngành thuế, trong trường hợp khả năng thu năm 2016 đạt 16.714 tỷ đồng thì ngân sách Trung ương thụ hưởng trên 10.256 tỷ đồng; ngân sách địa phương thụ hưởng trên 6.458 tỷ đồng. Như vậy, so với dự toán giao thì khả năng hụt thu ngân sách gần 4.937 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hụt trên 4.191 tỷ đồng; ngân sách địa phương hụt trên 445 tỷ đồng.
Hụt thu đồng nghĩa với hụt chi, tức nguồn chi cho đầu tư cho xây dựng cơ bản và các chính sách khác sẽ bị ảnh hưởng theo. Đây là một “dự báo” không mong muốn.
Bài, ảnh: HỒNG HOA