(Báo Quảng Ngãi)- Được mùa rớt giá. Mất mùa giá cũng chẳng tăng. Cuộc sống của diêm dân Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vì thế cũng ngày càng khó khăn. Vì vậy, khi Chính phủ chỉ đạo thu mua muối tạm trữ, diêm dân khấp khởi hy vọng. Nhưng...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nắng nóng kéo dài, lẽ ra diêm dân Sa Huỳnh sẽ phấn khởi vì hứa hẹn một vụ muối bội thu. Song, niềm vui ấy sẽ khó trọn vẹn vì nỗi lo giá muối thấp. Thực tế, niên vụ muối 2016 vừa qua, mỗi ký muối chỉ có giá vài trăm đồng.
Cuộc sống của diêm dân vì thế cũng rơi vào cảnh lao đao. “Giá muối chỉ 300 đồng/kg mà thương lái cũng chỉ đến nhìn rồi đi. Tôi quẩy gánh bán dạo người ta cũng lắc đầu chê... đắt!”, bà Nguyễn Thị Long, thôn Tân Diêm cho hay. Cạnh ruộng muối bà Long, hàng chục “gò muối” khác cũng đang tiếp tục “mọc” cùng trĩu nặng lo âu của diêm dân.
Diêm dân Sa Huỳnh đang gặp rất nhiều khó khăn, vì không được thụ hưởng kế hoạch "giải cứu" muối của Chính phủ. |
Ngoài lượng muối diêm dân đang thu hoạch, đồng muối Sa Huỳnh hiện còn tồn đọng hơn 3.500 tấn muối. Vì giá quá thấp nên diêm dân cũng chẳng buồn đầu tư tiền của, công sức để bảo vệ, mà chỉ dùng bạt hoặc lá dừa che tạm nắng mưa. Diêm dân Nguyễn Rum, thôn Tân Diêm bảo: "Vì giá rẻ quá nên chẳng ai thiết làm muối nữa. Nhiều người bỏ nghề để vào các tỉnh miền Nam kiếm việc hết rồi”. Hẳn thế nên đồng muối Sa Huỳnh bây giờ trông quạnh hiu hơn. Theo thống kê của UBND xã Phổ Thạnh, toàn xã hiện có trên 40ha ruộng muối bị bỏ hoang vì diêm dân ly hương, kiếm việc khác mưu sinh.
Ngày 16.6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân. Việc mua tạm trữ muối ưu tiên tại những địa phương bị tồn đọng lớn và thực hiện theo cơ chế thị trường, đảm bảo mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường, giúp người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi. Tuy nhiên, với lượng muối tồn đọng lên đến trên 3.500 tấn, nhưng hiện diêm dân Sa Huỳnh vẫn chưa được thụ hưởng chương trình "giải cứu" này của Chính phủ. Do đó, diêm dân Sa Huỳnh đang rất mong ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp can thiệp để những chính sách hỗ trợ như thế này đến được với bà con, giúp họ ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề sản xuất muối. |
Thảm cảnh của diêm dân và đồng muối Sa Huỳnh cũng chính là thực trạng chung trong cả nước. Để “cứu” diêm dân cũng như nghề sản xuất muối truyền thống, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc tổ chức thu mua tạm trữ muối, bình ổn thị trường. Đây là động thái thường niên của Chính phủ, trong nhiều năm trở lại đây mỗi khi giá muối giảm mạnh.
Tuy nhiên, chương trình nhiều ý nghĩa này dường như chưa bao giờ đến được với diêm dân Quảng Ngãi. Ngay như niên vụ muối 2016, dù kế hoạch hỗ trợ diêm dân đã được Chính phủ ban hành nhưng đến thời điểm này, diêm dân Sa Huỳnh vẫn đang “ngóng” các ngành, các cấp có biện pháp “giải thoát” hơn 3.500 tấn muối còn tồn đọng. “Nhà nước ban hành chính sách mua muối giúp diêm dân bớt khó, bớt khổ là tốt. Nhưng mà thương lái họ không thực hiện thì diêm dân vẫn khổ, vẫn khó”, ông Rum bày tỏ.
Thông tin Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp mua tạm trữ muối cho diêm dân thì đến cả chính quyền địa phương cũng bảo “không biết”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, thương lái mua muối tại Sa Huỳnh thì lại cho rằng: “Tôi không phải chân rết của doanh nghiệp được Nhà nước chọn mua muối tạm trữ cho bà con diêm dân. Vì vậy làm sao tôi dám mua muối Sa Huỳnh theo giá mà Nhà nước đưa ra được”.
Trong khi chính quyền vẫn loay hoay tìm giải pháp “nâng tầm thương hiệu muối Sa Huỳnh”, còn thương lái cũng mải lo bảo vệ mình thì diêm dân Sa Huỳnh lại đơn độc trong hành trình giữ nghề sản xuất muối truyền thống.
Bài, ảnh: MỸ HOA