Diêm dân Sa Huỳnh: Niềm vui không trọn vẹn

02:09, 12/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dưới cái nắng như đổ lửa trên vựa muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh  (Đức Phổ ), bà con diêm dân nơi đây đang hối hả thu hoạch những mẻ muối trúng mùa. Nhưng cũng giống như mọi năm, niềm vui được mùa dường như không trọn vẹn khi cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá cứ luôn đeo bám họ.

TIN LIÊN QUAN

Điệp khúc “được mùa, mất giá” tái diễn.

Theo lịch thời vụ của bà con diêm dân tại đồng muối Sa Huỳnh, giữa tháng 8 là cuối vụ sản xuất. Nhưng những ngày này trời nắng to là điều kiện thuận lợi cho công việc làm muối của bà con. Với 850 hộ dân tham gia sản xuất trên diện tích gần 120ha, năm nay đồng muối Sa Huỳnh cho sản lượng khoảng 9.000 tấn, tăng gần 2. 000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng theo thông lệ, giá muối luôn tỷ lệ nghịch với sản lượng, cho nên dù trúng mùa nhưng bà con nơi đây không mấy vui. Hiện tại giá thu mua muối chỉ 40 nghìn đồng/ bao 50kg, sau khi trừ chi phí tiền bao và công vận chuyển lên bờ (khoảng 6 nghìn đồng/ bao). Tính ra mỗi ký muối có giá chỉ khoảng 900-1.000 đồng, rất thấp so với mặt bằng giá chung các năm.

 

Trúng mùa muối nhưng diêm dân chẳng mấy vui.
Trúng mùa muối nhưng diêm dân chẳng mấy vui.


Nhà có 13 ô muối trên diện tích gần 700m2, cả 5 người trong gia đình ông Lê Sơn ở thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh phải “phơi mình” trên ruộng muối dưới cái nắng như thiêu đốt trong hai ngày trời để có thể thu lại gần một tấn muối. Những công việc như đầm đất, chêm nước, cào, gánh muối… tốn rất nhiều thời gian và công sức. Vất vả là thế, nhưng khi những hạt muối trắng ngần trộn lẫn vị mặn đắng mồ hôi được đưa lên bờ thì giá luôn thấp, cả nhà ông chỉ biết nhìn nhau chép miệng ngao ngán.

Cách ruộng muối nhà ông Sơn chừng vài chục mét, đang lom khom gánh muối từ ruộng vào bờ để đóng bao, bà Trần Thị Ái ở thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh thở dài “trời nắng to, làm được nhiều muối tưởng chừng sẽ có tiền để mua sách vở và quần áo mới cho con nhập học. Nhưng giá muối thấp quá thế này thì chắc phải cho lũ trẻ mặc lại quần áo cũ của năm ngoái rồi…”.

Trông trời, còn trông thương lái

Từ lâu nghề làm muối được ví như “đánh bạc” với trời, vì cứ sau mỗi cơn mưa thì cả cánh đồng muối phải nghỉ ít nhất 5 đến 7 ngày, nước mưa làm giảm độ mặn khiến muối không thể đóng diêm được. Nhưng khi trời “thương” cho diêm dân nơi đây những đợt nắng “vàng” thì họ lại phải trông vào “động thái” của thương lái.

“Cả cánh đồng muối Sa Huỳnh rộng lớn, là kế sinh nhai của hàng nghìn lao động, nhưng lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào khoảng 5 thương lái thu mua. Giá muối là do họ quyết định dựa vào sản lượng thu hoạch được, hễ họ thấy muối nhiều là họ tự động hạ giá. Có những hộ trữ lại không bán để chờ giá cao, nhưng khi cần tiền để chi tiêu cho gia đình thì họ cũng phải bán cho dù biết mình bị ép giá”, ông Võ Tấn Phát, một người có thâm niên hàng chục năm làm muối tại đây cho biết.

Sãi bước trên cánh đồng muối bao la, nhìn những ụ muối dồn ứ khắp đồng của bà con, ông Lê Nay - Chủ nhiệm HTX muối 1 thôn Long Thạnh lắc đầu: “HTX chỉ quản lý và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho bà con, còn về khâu tiêu thụ thì nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Biết là thương lái ép giá người dân nhưng chúng tôi cũng đành bất lực, khả năng chúng tôi không giải quyết được chuyện này”.           

Bài, ảnh: LÊ DANH

 


.