(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, sau khi tổng kết Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015, Tỉnh ủy khóa XIX đã ban hành Kết luận số 18 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, có nhiều giải pháp được đặt ra, nhằm góp phần sớm đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
TIN LIÊN QUAN
Động lực tăng trưởng kinh tế
Những năm qua, ngành công nghiệp (CN) Quảng Ngãi đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào quy mô và tăng trưởng kinh tế; là nhân tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Trong giai đoạn 2011 – 2015, giá trị sản xuất CN tăng bình quân 6%/năm; tỷ trọng CN trong GRDP tăng từ 53,03% lên 57%.
Kết cấu hạ tầng khu kinh tế (KKT), khu CN được đầu tư, từng bước hoàn thiện. Môi trường đầu tư, kinh doanh có bước cải thiện. Các ngành CN chủ lực của tỉnh tăng trưởng khá. KKT Dung Quất, trọng tâm là NMLD Dung Quất và các khu CN Tịnh Phong, Quảng Phú tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sự hình thành Khu Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đang tạo động lực mới cho sự phát triển CN, đô thị, dịch vụ của tỉnh.
NMLD Dung Quất ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển CN của tỉnh vẫn còn không ít hạn chế. Đó là giá trị sản phẩm CN, thu ngân sách của tỉnh phụ thuộc nhiều vào sản lượng, giá trị sản phẩm của NMLD Dung Quất. Và mỗi khi nhà máy này gặp trở ngại trong sản xuất kinh doanh, thì việc hoàn thành các chỉ tiêu lớn của tỉnh cũng “dao động” theo. Điển hình là chỉ tiêu về thu ngân sách.
Một yếu kém nữa là, các cơ sở CN trên địa bàn tỉnh hầu hết quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản trị thấp, sức cạnh tranh yếu, chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu CN của tỉnh. Công nghiệp giá trị gia tăng cao, CN phụ trợ chưa phát triển. Một số dự án CN gây ô nhiễm môi trường, chậm tiến độ, lãng phí đất đai...
Theo Kết luận số 18 của Tỉnh ủy, các loại hình CN, dịch vụ được ưu tiên khuyến khích, thu hút đầu tư trong thời gian đến gồm: CN lọc hóa dầu, các sản phẩm sau dầu; CN có quy mô lớn, gắn với cảng nước sâu Dung Quất; CN có hàm lượng công nghệ cao, CN sạch; CN thực phẩm; dệt may, da giày; CN chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; dịch vụ vận tải biển, cảng biển, logistic; CN phụ trợ phục vụ các ngành dệt may, điện tử, tin học, lọc dầu; CN sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu... |
Nhiệm vụ và giải pháp
Kết luận số 18 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2020 đề ra chỉ tiêu: Giá trị CN tăng thêm, giai đoạn 2016 - 2020, tăng bình quân từ 3 – 4%/năm. Giá trị sản xuất CN tăng bình quân từ 2 – 3%; nếu không tính sản phẩm NMLD Dung Quất tăng 14 – 15%. Đến năm 2020, tỷ trọng CN – xây dựng trong cơ cấu GRDP chiếm 60 – 61%, trong đó CN chiếm 56 – 57%. Tỷ lệ lao động CN – xây dựng trong tổng lao động của tỉnh chiếm 32%.
Phấn đấu KKT Dung Quất thu hút đầu tư từ 2,5 – 3,5 tỷ USD, các khu CN thu hút đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, các cụm CN thu hút 550 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện đạt 80% trở lên.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là, tỉnh phải tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Trong đó, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cũng như hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, biện pháp quyết liệt, tập trung ưu tiên thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước.
Đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và đổi mới việc đầu tư hạ tầng KKT, khu CN theo hướng huy động tổng hợp nguồn lực xã hội và sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển CN theo hướng, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với phát triển đô thị và thương mại, dịch vụ.
Ngoài ra, tập trung đào tạo nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp, nguồn lao động chất lượng cao phục vụ phát triển CN; khuyến khích khởi nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CN, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển CN.
Trong đó, cần rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ; sử dụng hiệu quả, hợp lý đất đai; đánh giá kỹ tác động môi trường trước khi thực hiện các dự án. Gắn phát triển CN với việc bảo đảm điều kiện sống cho công nhân; xây dựng môi trường sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Bài, ảnh: PHẠM DANH