(Báo Quảng Ngãi)- Là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, nhưng không vì thế mà quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) lại chạy theo thành tích, thiếu thực chất…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghịch lý các công trình
Xây dựng nhà văn hóa (NVH), khu thể thao (KTT) nhằm tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân là cần thiết. Song, trong thực tế, sau khi đầu tư xây dựng với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhiều NVH vẫn cửa đóng then cài, còn khu thể thao xã thì vắng lặng, đìu hiu.
“Tôi thấy mục đích xây dựng NVH, KTT của một số xã chỉ để đạt tiêu chí NTM, không phải vì nhu cầu bức thiết của người dân”, ông Lê Văn Thiên, thôn Minh Mỹ, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) nhìn nhận.
Sân vận động khang trang nhưng luôn vắng bóng vì thiếu các hoạt động được tổ chức. |
Thực tế, một số địa phương dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng KTT lại vắng lặng, đìu hiu, còn NVH vẫn chưa một lần sử dụng. Lý do, phần vì thiếu hoạt động và sự kiện để trưng dụng, phần lại bất tiện vì NVH nằm xa UBND xã. Vậy nên, mỗi khi cần hội họp, ban tổ chức lại chọn hội trường UBND xã cho thuận tiện.
Trong khi KTT xã được xây dựng khang trang nhưng vắng người, thì nhiều trường học lại xuống cấp trầm trọng; đơn cử như tại xã Bình Trung (Bình Sơn). Đối lập với KTT xã bề thế, tường rào kiên cố là Trường Tiểu học số 1 Bình Trung cụm Tiên Đào. Đây là nơi học tập của hàng trăm học sinh lại xuống cấp đến mức “không còn gì để hỏng”.
Nhìn ngôi trường cũ nát, vách tường loang lổ vết nứt, nền ố bẩn, tường rào cổng ngõ xiêu vẹo như muốn đổ sập bất cứ lúc nào mà ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT đã phải thốt lên rằng: “Chỗ này không phải là nơi thích hợp để các cháu nhỏ lui tới chơi, huống chi là học”. Biết thế, nhưng nhiều năm nay, cô trò Trường Tiểu học số 1 Bình Trung cụm Tiên Đào vẫn phải động viên nhau dạy và học. Những lúc mưa gió thì vừa học vừa sẵn sàng... chạy! Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 4 tỷ đồng để đầu tư xây mới trường, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh cũng như chất lượng dạy và học.
Xây dựng NTM "chậm mà chắc"
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các địa phương đều tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, những tiêu chí “mềm” nhưng lại quyết định đến chất lượng và độ bền vững của NTM như sản xuất, cải thiện thu nhập, trường lớp học... dường như chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Trở lại với chuyện NVH, KTT xã và trường học. Nhận thấy sự bất hợp lý trong việc đầu tư xây dựng những công trình trên, chính quyền các địa phương cho rằng, không nhất thiết phải xây dựng mỗi xã một NVH, KTT hoặc chợ mà tùy vào điều kiện, nhu cầu và tiềm năng phát triển của mỗi địa phương. Bởi, NVH, KTT xã hay chợ dù cũ nhưng hoàn toàn phát huy tác dụng nếu công trình vẫn đảm bảo an toàn, vị trí phù hợp và thuận lợi cho người dân đến sinh hoạt, buôn bán...
Ông Võ Đình Trà - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho rằng, mục tiêu của NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vậy nên các công trình dân sinh như trường học, trạm y tế và hỗ trợ phát triển sản xuất cần được ưu tiên nguồn lực đầu tư. “Xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi nguồn lực lớn nên chúng ta phải thận trọng, chậm mà chắc”, ông Trà nhận định.
Song, để đảm bảo các địa phương xây dựng NTM thực chất, không chạy theo thành tích, đòi hỏi khâu quy hoạch phải “chuẩn”. Quy hoạch được xem là yếu tố quyết định đến “hình dáng” NTM. Nhưng trong thực tế, có một số địa phương ít quan tâm đến vấn đề này. Phần vì nguồn lực hạn chế, phần do một bộ phận cán bộ chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của Chương trình NTM, nên xem nhẹ khâu quy hoạch. Việc quy hoạch vì thế cũng chỉ thực hiện qua loa, chiếu lệ và rập khuôn nên thiếu tính xác thực, kéo theo nhu cầu và thực tế bị “vênh”. Chất lượng xây dựng NTM vì thế cũng không đạt được như ý.
Bài, ảnh: MỸ HOA