Xây dựng nông thôn mới: Thiếu tiền hay thiếu quyết tâm?

04:04, 09/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất, góp tiền, góp công để làm đường, xây dựng các công trình hạ tầng, song vẫn còn không ít cá nhân, tập thể thiếu ý thức, thậm chí lợi dụng chủ trương chung để vun vén cho lợi ích nhóm.

TIN LIÊN QUAN

Những câu chuyện ý thức
 
Chúng tôi có dịp về xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa), nơi có đến 98% hộ dân là người đồng bào dân tộc H’re khi toàn xã đang dồn sức để cán đích xây dựng NTM vào năm 2016, thật sự ngạc nhiên với nếp nghĩ, nếp sống của người dân nơi đây. 
 
Từ trụ sở làm việc, các trường học, đường làng, ngõ xóm đến nhà người dân đều sạch sẽ, điện sáng rực đường quê, nhà nào cũng có hố rác. Không gian sống thoáng đãng, trong lành, rợp bóng cây xanh. Tôi lại càng ấn tượng hơn bởi từ người già đến người trẻ, từ làng trên đến xóm dưới ai cũng có thể nói chuyện về xây dựng NTM vanh vách.
 
Cũng là câu chuyện về ý thức trong tham gia xây dựng NTM, nhưng những gì ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) lại khiến tôi phải suy ngẫm. 
 
Hưởng ứng phong trào điện thắp sáng đường quê, năm 2015, người dân cùng chính quyền địa phương đã đóng góp kéo điện thắp sáng đoạn đường chạy qua thôn Xuân Yên nối với các xã khu Tây huyện Sơn Tịnh. Đây là con đường có lượng người và xe cộ tham gia giao thống rất lớn, đặc biệt là xe chở đất, đá, chở keo,…
 
 
Rác thải ngập các cổng trưởng ngay trung tâm huyện Tây Trà.
Rác thải ngập các cổng trưởng ngay trung tâm huyện Tây Trà.
 
Những người thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến đường này vui mừng vì từ nay con đường không còn cảnh bị bao phủ bởi màn đêm đen kịt như trước, mà thay vào đó là hệ thống chiếu sáng phát ra từ các bóng đèn được dựng lên, giúp giảm thiểu được nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông.
 
Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì tình cảnh tối tăm như xưa trở lại cũng, vì hầu hết các gia đình không chịu bỏ ra số tiền 10.000 đồng/tháng để trả tiền điện. Không chỉ ở thôn Xuân Yên mà tại nhiều địa phương khác, cảnh “đèn có điện không” diễn ra phổ biến.
 
Ngày nay, ở các quốc gia trên thế giới, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường rất được chú trọng, người dân được giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống.  
 
Đáng buồn thay, ở ta, việc ăn ở kém vệ sinh, vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng được coi là chuyện thường. Bảo vệ môi trường với đại đa số người dân chúng ta là chuyện cha chung không ai khóc.
 
Từ miền xuôi đến miền ngược, từ đường đi đến kênh mương đâu cũng ngập rác, mặc dù thùng rác để cách đó không xa. Hiện tượng xả rác, ăn ở kém vệ sinh còn ăn sâu vào tiềm thức một tầng lớp trí thức.
 
Đến trụ sở làm việc của một số cơ quan công quyền, điển hình nhất là huyện Tây Trà, tàn thuốc, rác thải tiện đâu vứt đó ngập sân cũng không ai quét dọn; thậm nhà vệ sinh bốc mùi đến tận nơi làm việc. 
 
Ấy vậy mà hàng năm, những con người làm việc ở các nơi ấy vẫn được công nhận là cơ quan văn hóa. Họ vẫn thường đi tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.
 
Xây dựng NTM rần cần sự chung tay góp sức của nhân dân.
Xây dựng NTM rần cần sự chung tay góp sức của nhân dân.

 

Ý thức trong phong trào xây dựng NTM ở huyện miền núi Tây Trà cũng là điều đáng suy ngẫm khi lãnh đạo và cán bộ phụ trách xây dựng NTM không một ai đến dự tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai xây dựng NTM ở Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 vào tháng 1.2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chủ trì.

Hay như câu chuyện xin vốn để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn tại một số nơi có biểu hiện lợi dụng chủ trương chung để vun vén cho lợi ích nhóm, khi nhiều con đường chỉ có vỏn vẹn 200 đến 300m được đưa vào danh sách đường liên xã.
 
Thiếu tiền hay thiếu quyết tâm?
 
Năm năm qua, nhờ huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến thời điểm này, Quảng Ngãi có 11 xã về đích NTM. Nhiều địa phương khác cũng đã đạt kết quả nổi bật trong phòng trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Hàng nghìn điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất, góp tiền, góp công để làm đường, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng được biểu dương, khen thưởng. 
 
Thế nhưng, theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh, so với các địa phương trong cả nước, kết quả mà Quảng Ngãi đạt được còn rất “khiêm tốn”.
 
Nguyên nhân chính dẫn đến sự “khiêm tốn” ấy là thiếu vốn và thiếu quyết tâm. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa sâu về NTM dẫn đến chưa tích cực tham gia. Một số địa phương còn ỷ lại nguồn ngân sách của cấp trên nên chưa chủ động phát huy nội lực. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng: Trong khi nguồn vốn còn hạn chế, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cần kinh phí lớn nên phải phụ thuộc vào đầu tư của Nhà nước, thì các việc không cần nhiều kinh phí mà dựa vào ý thức là chính như bảo vệ môi trường, ăn ở vệ sinh, văn minh; xây dựng gia đình, làng xóm văn hóa,… chính quyền các địa phương và bà con nhân dân nên chủ động, tự giác thực hiện. Có như thế, phong trào xây dựng NTM mới bền vững, có chiều sâu, đúng với bản chất của xây dựng NTM...
 
 
 
Bài, ảnh: Chấn Phong
 

.