Ngư dân khuyết tật can trường bám biển

08:06, 07/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bị mất một cánh tay do gặp nạn khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, những tưởng anh sẽ bỏ cuộc, nhưng tình yêu biển đã trở thành động lực giúp anh Lê Văn Mạnh (31 tuổi) ở thôn Tây, An Vĩnh (Lý Sơn) tiếp tục gắn bó cuộc đời với biển.

TIN LIÊN QUAN

Vừa trở về từ chuyến biển đêm qua, anh Lê Văn Mạnh vội cất dụng cụ chạy tới ôm cô con gái 5 tuổi. Nhìn cô con gái nhỏ, anh Mạnh nhớ lại chuyến biển cuối năm 2011. Đó là thời điểm con gái anh chào đời, cũng là lúc anh gặp nạn trên biển. Khẽ đưa mắt về phía biển, anh Mạnh lặng lẽ kể, trong một chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, khi tới lượt tôi nấu cơm thì bình gas mini đột nhiên nổ, làm tôi bị thương nặng.

Nụ cười lạc quan của ngư dân khuyết tật Lê Văn Mạnh.
Nụ cười lạc quan của ngư dân khuyết tật Lê Văn Mạnh.


Được các bạn thuyền tích cực đưa vào đất liền, rất may mạng sống được giữ, nhưng bàn tay trái thì vĩnh viễn nằm lại ở biển sâu. Giấu đôi mắt đượm buồn, anh Mạnh tâm sự: "Tôi so ra vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Đợt nằm viện năm đó, cũng có lúc tôi rất thất vọng, chán chường nhưng nhìn lại nhiều người còn gặp bệnh hiểm nghèo hơn mình mà họ vẫn lạc quan, cùng động viên nhau. Từ lúc đó, tôi tự hứa với bản thân phải cố gắng. Tôi không chỉ có một mình mà còn có vợ, có con nên không được bỏ cuộc".
 

"Anh Lê Văn Mạnh dù khuyết tật một bên tay, nhưng ý chí của anh luôn kiên cường, mạnh mẽ, không gục ngã, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn trên biển cả và cuộc sống. Anh Mạnh là một tấm gương tiêu biểu để nhiều thanh niên trên đảo học hỏi".
Anh Võ Trí Thời - Phó Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn.

Từ giây phút đó, anh Mạnh như có thêm động lực, bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Không thể đi xa bờ, anh bàn với vợ chèo ghe nhỏ đi gần bờ. Nói là làm, gặp khó trong việc dùng tay chèo thì anh Mạnh tập dùng chân chèo. Mới đầu còn khó khăn, nhưng mỗi ngày anh Mạnh đều cố gắng tập dần dần việc chèo ghe bằng chân cũng trở nên nhuần nhuyễn hơn. Khi cánh tay đỡ nhức, anh Mạnh quyết định chèo thuyền bằng tay. Ngay vị trí tay gãy thời gian đầu chưa quen, chèo tương đối khó, nhưng qua một thời gian, mặc dù hai tay không bằng nhau, anh Mạnh vẫn chèo rất thuần thục.

Cứ như vậy, trời vừa về chiều anh Mạnh lại một mình lên ghe đi câu mực đêm đến rạng sáng hôm sau. Những ngày đầu, anh chỉ câu được 1 - 2kg mực, chưa đủ chi phí cho một ngày chợ. Số mực ít ỏi vẫn không làm anh bỏ cuộc. Chưa kể đến việc mưu sinh trên biển không thể tránh khỏi sự chuyển biến bất thường của thời tiết. Nhiều đêm đang buông câu, trời bỗng nổi giông tố, mưa gió trút xuống, chiếc ghe nhỏ chao đảo, nhưng bằng nghị lực, sự bình tĩnh đã giúp anh Mạnh vượt qua mọi khó khăn. Luôn chịu khó tìm hiểu và nắm được vùng mực sinh sống, vậy là, đêm sau anh lại chèo ghe ra xa hơn đêm trước. Trời không phụ lòng người, những ngày sau đó, số mực anh Mạnh câu được cứ tăng dần lên. Một đêm anh có thể câu được 7 - 8kg mực.

Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, năm vừa qua, anh Mạnh sắm được chiếc thuyền máy với giá 70 triệu. Trên thuyền có gắn động cơ giúp anh Mạnh không cần dùng sức chèo như trước, nên mỗi chuyến câu mực đêm thuận lợi hơn. Mỗi đêm câu mực, trừ chi phí anh Mạnh có thể kiếm được 200 - 300 nghìn đồng, giúp cải thiện kinh tế gia đình và nuôi hai con nhỏ ăn học. Sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó, dù bị khuyết tật nhưng ý chí mạnh mẽ của anh Mạnh được người dân trên đảo hết sức cảm phục và yêu quý.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG




 


.