Hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

03:07, 06/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngư dân yêu biển, gắn bó máu thịt với biển. Thế nhưng, việc bám biển mưu sinh của họ dường như vẫn còn quá nhiều gian nan. Lắng nghe ngư dân cần gì để chia sẻ, kịp thời giúp đỡ là việc mà chính quyền và ngành chức năng cần làm thấu đáo để đưa chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân đi vào thực tế.

TIN LIÊN QUAN

Sớm triển khai chính sách tín dụng đóng tàu phù hợp

Ông Nguyễn Thành Quang, quê xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đang đóng đôi tàu gỗ 650 mã lực tại HTX đóng, sửa tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá Cổ Lũy phấn khởi vì sắp có 2 chiếc tàu to vươn khơi xa. Thế nhưng ông Quang lại tỏ ra lo lắng vì khoản tiền gần 1 tỷ đồng còn thiếu chưa biết tìm đâu ra. “Độ ít ngày nữa tàu hạ thủy, mình phải thanh toán hết số tiền gần 4 tỷ đồng cho đối tác. Có lẽ phải nhờ HTX đứng ra xác nhận, hỗ trợ thủ tục để vay ngân hàng. Nếu không được thì phải vay nóng để giải quyết” – ông Quang cho biết.

Ngư dân rất cần được hỗ trợ vốn để đóng tàu vỏ thép vươn khơi (Trong ảnh: Tàu vỏ thép đầu tiên của Quảng Ngãi).                                         Ảnh: TH. PHƯƠNG
Ngư dân rất cần được hỗ trợ vốn để đóng tàu vỏ thép vươn khơi (Trong ảnh: Tàu vỏ thép đầu tiên của Quảng Ngãi). Ảnh: TH. PHƯƠNG


Ngư dân đóng tàu lớn với vốn tiền tỷ để đủ mạnh vươn khơi là quyết định đáng trân trọng, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay khi Biển Đông đang cần họ có mặt hơn bao giờ hết. Thế nhưng, rất nhiều ngư dân vẫn âu lo khi tàu đã xong mà tiền thanh toán vẫn chưa tìm đủ. “Ước gì có chính sách cho vay thêm một tỷ đồng lãi suất ưu đãi thì đỡ biết mấy. Nghe nói gần đây chính sách tín dụng dành cho ngư dân có thay đổi nhưng thực tế đi vay vốn đóng tàu không phải dễ. Mức vay không cao, lãi suất thương mại, thủ tục rườm rà, không ít ngư dân nản lòng” – ông Quang thổ lộ.

Tại Quảng Ngãi, đã từng có dự án đóng 22 tàu vỏ thép cho ngư dân, song tới nay vẫn chưa thực hiện được. Không phải ngư dân Quảng Ngãi không mặn mà “tàu vỏ thép” mà cái chính là thủ tục rườm rà, chính sách tín dụng chưa thực sự ưu đãi, dẫn đến ngư dân băn khoăn về việc trả nợ vay đóng tàu.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho ngư dân, đặc biệt là chính sách tín dụng đóng tàu vỏ thép. “Ngư dân sống trên biển nhiều hơn ở nhà luôn ước mong có tàu vỏ thép chắc chắn, an tâm bám biển. Chính phủ và tỉnh cần xây dựng cơ chế tín dụng đặc biệt ưu đãi cho ngư  dân, giúp ngư dân thực hiện ước mong tàu vỏ thép. Chứ nếu chỉ quy định, không sát sao chỉ đạo triển khai, giám sát thực hiện mà để ngư dân tự bơi, thì chẳng thể nào sắm nổi tàu vỏ thép” – ngư dân Lê Khởi, thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) cho biết.

Đảm bảo hậu cần, xóa “tín dụng đen”

Một thực trạng phổ biến hiện nay ở Quảng Ngãi là ngư dân phụ thuộc khá nhiều vào “đầu nậu”. Những đối tượng có tiền, sẵn sàng bỏ ra cho chủ tàu mượn để trang bị máy móc, phương tiện đánh bắt, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cần thiết cho tàu ra khơi, thậm chí là cho vay đóng tàu và ràng buộc với chủ tàu “đi khơi về có cá phải bán cho đầu nậu” với giá bán thường thấp hơn giá thị trường. Thế nhưng đã “làm ăn” thì phải chấp nhận!

Ông Bùi Đại, cha của thuyền trưởng, chủ tàu cá QNg 96679 TS Bùi Ngọc Thanh tỏ ra lo lắng vì không biết chuyến ra khơi này của anh Thanh và các thuyền viên có đủ để trả nợ cho chủ nậu số tiền “ứng trước” để mua lương thực, thực phẩm, đá lạnh, dầu máy... Anh Bùi Ngọc Thanh đã vay của chủ nậu tổng cộng 500 triệu đồng, trong đó 300 triệu tiền vay đóng tàu, 200 triệu tiền “tổn”. Lãi suất phải trả không thể thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Ngư dân Quảng Ngãi đóng tàu công suất lớn vươn khơi.
Ngư dân Quảng Ngãi đóng tàu công suất lớn vươn khơi.


Ở Lý Sơn nơi có gần 500 tàu cá kiên trì bám biển Hoàng Sa khai thác hải sản và dường như tàu nào cũng “tạm ứng” của chủ nậu, ít thì vài trăm triệu, nhiều cả nửa tỷ đồng. Biển lặng, thuyền nặng cá tôm, thì có thể trả bớt một phần nợ sau mỗi chuyến ra khơi. Còn không, nợ cứ chồng lên nợ. “Nếu ngư dân có tiền để tự trang trải chi phí ra khơi thì đỡ lo. Nếu đi hỏi tiền của nậu, đánh bắt không đạt, chẳng muốn trở về bờ” – đó là tâm sự rất thật của ngư dân Dương Văn Giàu, thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn).

Cách đây 4 năm, Quảng Ngãi đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015 với mục tiêu tăng cường hỗ trợ ngư dân bám biển. Tổng kinh phí để thực hiện đề án trên 79 tỷ đồng. Nhưng mãi đến năm 2013, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển loại hình HTX này mới được ban hành, với cơ chế hỗ trợ khá toàn diện từ thành lập, hạ tầng, hỗ trợ lãi suất… Song thực tế, đến nay cả tỉnh chỉ có 5 HTX đáng bắt xa bờ được thành lập và chỉ nhận được khoản hỗ trợ thành lập mới với số tiền 30 triệu đồng/HTX. Ra đời trong bộn bề thiếu thốn nên trong số 5 HTX ấy chỉ có một HTX là hoạt động có hiệu quả, còn lại đều “dậm chân tại chỗ”.

Xâu đầu mối hỗ trợ ngư dân

Những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Quảng Ngãi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ ngư dân chủ yếu mang tính chia sẻ, chưa có kế hoạch chặt chẽ, vì thế đã xảy ra tình trạng hỗ trợ chồng chéo, trùng lắp. Có ngư dân được hỗ trợ nhiều, có người ít, dẫn đến chưa công bằng.

Hiện tại, hoạt động hỗ trợ ngư dân ở Quảng Ngãi thường thông qua các nghiệp đoàn nghề cá; Quỹ Hỗ trợ ngư dân;  các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự chọn đối tượng hỗ trợ và trao tặng tiền, thiết bị rồi mời chính quyền dự, thậm chí đến trực tiếp gia đình ngư dân trao mà không thông qua địa phương.

Hoạt động hỗ trợ ngư dân bám biển là cần thiết. Mỗi một hành động thiết thực vì ngư dân, dù là nhỏ cũng đáng trân trọng. Tuy nhiên, ngư dân Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân Lý Sơn mong muốn hoạt động hỗ trợ được tập trung về một đầu mối, chứ không nên dàn trải ở nhiều cơ quan, đơn vị như hiện nay. Việc xâu đầu mối này có nhiều thuận lợi: Thứ nhất, chủ động sắp xếp hỗ trợ, tạo sự thống nhất, công bằng, dễ tổng hợp, báo cáo. Thứ hai, tránh trùng lắp, chồng chéo. Thứ ba, tránh được tình trạng lợi dụng làm sai lệch mục đích, ý nghĩa của hoạt động hỗ trợ.

Hỗ trợ, chia sẻ rủi ro, hoạn nạn, giúp ngư dân có thêm điều kiện vươn khơi bám biển là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc. Vì thế chính sách hỗ trợ, phương thức hỗ trợ cần thiết phải được xây dựng, tính toán sát thực, đảm bảo khả thi, hiệu quả.

*Ông Lê Hạnh – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Quan tâm thực hiện chính sách đối với HTX đánh bắt xa bờ.
Chủ trương thành lập HTX đánh bắt xa bờ là đúng đắn, phù hợp với tình hình hiện nay; chính sách hỗ trợ cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa đầy đủ, chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện Đề án thành lập HTX đánh bắt xa bờ giai đoạn 2011 - 2015. Theo tôi, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo địa phương, sở, ngành liên quan tăng cường trách nhiệm, giúp HTX đánh bắt xa bờ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ, hỗ trợ chính sách tín dụng để đảm bảo cho HTX đánh bắt xa bờ hoạt động hiệu quả.

*Ông Nguyễn Quốc Chinh– Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn): Cần xây dựng hệ thống trạm bờ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa đất liền và tàu cá ngoài khơi.
Thời gian qua, ngư dân đã được quan tâm trao tặng thiết bị tàu cá, ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống trạm bờ để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa đất liền với tàu cá ngoài khơi vẫn còn nhiều thiếu thốn. Trong lúc tình hình Biển Đông đang “nóng” hiện nay, khi đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân rất cần sự hỗ trợ kịp thời của đất liền nhưng hệ thống thông tin liên lạc chưa đáp ứng, cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hơn.  

*Ông Phan Như Huỳnh – Giám đốc HTX đóng, sửa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá Cổ Lũy: Tạo cơ chế thông thoáng để ngư dân vay tiền đóng tàu cá công suất lớn.
Hiện nay rất nhiều ngư dân có kinh nghiệm, có khát vọng bám biển để làm giàu, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang thiếu vốn để đóng tàu công suất lớn vươn khơi. Theo tôi, Chính phủ cần triển khai nhanh gói tín dụng dành riêng cho ngư dân vay đóng tàu. Các tàu cá công suất nhỏ cũng cần được tính toán cho vay vốn để ngư dân cải hoán, nâng công suất, đảm bảo bám biển dài ngày, hạn chế rủi ro khi hành nghề trên biển.  

*Ông Lê Lớn - ngư dân xã đảo An Bình (Lý Sơn): Hỗ trợ cho học sinh có cha là ngư dân đã tử nạn ngoài Hoàng Sa, Trường Sa.
Hiện nay nhiều học sinh do cha đã chết trong khi hành nghề đánh bắt cá trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gặp nhiều khó khăn trong học tập, thậm chí phải bỏ học giữa chừng. Chính quyền cũng có quan tâm tặng quà, trao học bổng cho các học sinh này nhưng không thường xuyên, chưa đảm bảo chi phí học tập. Vì thế, chính quyền và ngành giáo dục cần quan tâm cấp học bổng hàng tháng với số tiền đảm bảo đủ chi phí học tập cho những học sinh này, giúp các em được học hành đến nơi đến chốn, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

 


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.