Phiên chợ hàng Việt 2016: Tránh đi vào lối cũ

09:05, 09/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tháng 5 và 6.2016, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến đầu tư thương mại tỉnh tổ chức "Phiên chợ hàng Việt" tại một số địa phương trong tỉnh. Hoạt động này thực hiện liên tục suốt 4 năm qua và đã bộc lộ những bất cập, cần rút kinh nghiệm trong năm 2016 này.
 

Những phiên chợ đơn điệu

Từ năm 2013 đến nay, năm nào Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến đầu tư thương mại tỉnh cũng tổ chức "Phiên chợ hàng Việt". Hoạt động này cũng đem lại những dấu ấn nhất định trong tuyên truyền, đưa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, động viên người dân trong mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Có một vài phiên chợ đã tạo ra không khí mua sắm, là cầu nối để doanh nghiệp (DN) quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường nông thôn, miền núi, hải đảo.
 

 

Ban Chỉ đạo CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam kiểm tra hoạt động bán hàng tại Phiên chợ hàng Việt ở xã Ba Vì (Ba Tơ). Ảnh: TL
Ban Chỉ đạo CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam kiểm tra hoạt động bán hàng tại Phiên chợ hàng Việt ở xã Ba Vì (Ba Tơ). Ảnh: TL

Tuy nhiên, tại những "Phiên chợ hàng Việt", có không ít phiên chợ đơn điệu. DN tham gia phiên chợ chủ yếu là các mặt hàng còn tồn lâu ngày, hàng khó thu hút người dân thành thị, hàng tiêu thụ chậm cần "giải phóng"... Thậm chí, có không ít phiên chợ, DN đăng ký tham gia lô sạp nhưng chỉ đem sản phẩm đến trưng bày chứ không có nhân viên phục vụ bán hàng, gây cảm giác giống như "triển lãm".

 Đơn cử như Phiên chợ hàng Việt ở Ba Tơ năm 2014, ngay thời điểm khai mạc chỉ thu hút được khoảng 10 DN tham gia, với ngành hàng đơn điệu. Trong đó có sản phẩm của 4 DN chỉ đem đến trưng bày, giới thiệu, không bán, khiến người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ rất... ngạc nhiên vì hàng đem đến chợ không phải để bán, mà chỉ để nhìn, ngắm!

Có không ít "Phiên chợ hàng Việt" thời gian qua, vì quá tập trung vào  hoạt động văn nghệ chào mừng đã "ngốn" không ít kinh phí cho việc này. Ngoài ra, việc chọn địa điểm của phiên chợ nhiều nơi chưa phù hợp; thời điểm tổ chức chưa tính toán né tránh mưa bão, khiến nhiều phiên chợ mở ra chỉ có người bán, không có người đến mua hàng...

"Chợ một chiều"

Chợ được xem là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, "Phiên chợ hàng Việt" những năm qua mới chỉ thể hiện "chợ một chiều". Bởi, tuyệt nhiên không thấy DN tổ chức thu mua hàng hóa cho người dân. Rất nhiều người dân khi đến "Phiên chợ hàng Việt" cho rằng, việc tổ chức này mang tính chất "chợ một chiều", tức là mới chỉ quan tâm, hỗ trợ cho DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

 Nhiều người dân ở các địa phương được chọn tổ chức "Phiên chợ hàng Việt" nêu ý kiến: Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến đầu tư thương mại tỉnh cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân đem những sản vật, nông sản địa phương tham gia phiên chợ. Người dân cũng cần quảng bá sản phẩm nông sản làm ra, để tìm cơ hội tiêu thụ tốt hơn so với hiện tại chỉ biết bán cho thương lái. Hơn nữa, việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại phiên chợ cũng là cơ hội thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, tạo nên không khí mua sắm sôi động của phiên chợ thực thụ.

 Ngoài ra, lâu nay việc tổ chức "Phiên chợ hàng Việt" mới chỉ tập trung kêu gọi các DN tham gia đăng ký và mang hàng hóa đến quảng bá, tiêu thụ, trong khi cơ quan chức năng ít quan tâm đến kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Không ít DN xem "Phiên chợ hàng Việt" là một kênh tiêu thụ hàng hóa chất lượng không đảm bảo, hết hạn sử dụng, thậm chí là hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Chính vì thế, ngoài phối hợp với DN, địa phương để tổ chức phiên chợ, Sở Công thương cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của "Phiên chợ hàng Việt", bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 THANH NHỊ

 

.