Phát triển thị trường bán lẻ: Thêm cơ hội cho hàng Việt

10:04, 11/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đời sống dân cư ngày càng phát triển kéo theo sự phát triển của thị trường bán lẻ, đã tạo thêm cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

TIN LIÊN QUAN

Quản lý quy hoạch phát triển

Theo quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2020, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp 19 chợ và xây dựng 99 chợ; đầu tư xây dựng mới 22 siêu thị, 1 trung tâm thương mại hạng III, 1 trung tâm hội chợ triển lãm và 3 trung tâm logistics. Mở rộng, nâng cấp 51 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, xây dựng mới 112 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đất liền; đầu tư mới 164 cửa hàng kinh doanh LGP...

Người tiêu dùng Ba Tơ tham quan, mua sắm tại
Người tiêu dùng Ba Tơ tham quan, mua sắm tại "Phiên chợ hàng Việt" tổ chức tại địa phương.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm phát triển nhanh thương mại của tỉnh theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, chủ động hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tạo động lực phát triển GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP thương mại giai đoạn 2016 - 2020 đạt 21%/năm; kim ngạch xuất khẩu đến 2020 đạt 1 tỷ USD.
 

“Tâm lý tiêu dùng hiện nay của người dân đã dần chuyển từ "chuộng ngoại" sang tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì thế, thị trường bán lẻ hàng hóa sản xuất trong nước đang có thêm nhiều cơ hội để phát triển”.
Ông Nguyễn An – Phó Giám đốc Sở Công thương.

Bên cạnh các mô hình thương mại truyền thống gồm các chợ thì phát triển thị trường bán lẻ còn gia tăng mạng lưới bán lẻ hiện đại với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh. Sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại là một trong những thước đo sự phát triển của nền kinh tế nói chung và sự phát triển ngành dịch vụ thương mại nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Ngãi có quá nhiều loại hình tổ chức kinh doanh thương mại nhỏ lẻ, hoạt động tự do, làm cho thị trường bán lẻ trở nên manh mún, lộn xộn và lợi ích của người tiêu dùng không được chú trọng. Chính vì thế, việc quản lý quy hoạch thị trường bán lẻ cần chặt chẽ, sát thực tế, tạo động lực thúc đẩy kinh tế thương mại - dịch vụ phát triển.

Nắm bắt cơ hội

Thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang phát triển theo hướng dịch chuyển từ chợ truyền thống sang chợ hiện đại. Các siêu thị và trung tâm thương mại đang triển khai nhiều chính sách để thu hút người tiêu dùng. Ông Lê Hồng Ca - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi cho biết: "Khi mới đi vào hoạt động, thị phần của siêu thị chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay con số này đã tăng lên khoảng 18%". Để thu hút khách hàng, Co.op Mart Quảng Ngãi không ngừng gia tăng chất lượng phục vụ. Người tiêu dùng nội ô thành phố không cần đến siêu thị mà ở nhà cũng có thể mua được hàng đảm bảo chất lượng, cân ký, giá cả. Mua hàng trong siêu thị còn được thụ hưởng các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà.

Tuy nhiên, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh lại cho rằng, việc tham gia vào thị trường bán lẻ của "chợ hiện đại" không phải chuyện đơn giản. Hiện tại, ở Quảng Ngãi chỉ có 1 siêu thị bán lẻ hoạt động hiệu quả. Các trung tâm thương mại và siêu thị khác dường như chỉ đông khách vào dịp lễ, Tết.  

Đối với chợ truyền thống, thế mạnh cạnh tranh là cơ hội khai thác tốt thị trường nông thôn, thu hút người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Từ nhiều nguồn vốn, chợ truyền thống đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp đang ngày càng tạo ra cơ sở hạ tầng chợ khang trang hơn, thuận lợi trong kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có không ít chợ, xây dựng xong nhưng chưa thu hút được tiểu thương vào chợ, nhiều lô sạp bỏ trống, gây lãng phí.

 Thực tế hiện nay, bài toán về phát triển thị trường bán lẻ hàng hóa thực sự là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Việc hiểu tâm lý người tiêu dùng chính là chiến lược quan trọng dẫn đến thành công khi mở rộng thị trường này. Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ bền vững vì thế đang phải trông chờ vào chính sách của Nhà nước và chính các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, các tiểu thương.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN
 


.