(Báo Quảng Ngãi)-Biển êm. Thị trường tiêu thụ dần ổn định. Ngư dân vì thế cũng phấn khởi vươn khơi sau thời gian cho tàu nằm bờ vì bị “vạ lây” hiện tượng cá chết ở các tỉnh bắc miền Trung.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau nửa tháng nằm bờ vì thị trường tiêu thụ khó khăn, giá bán sụt giảm do người tiêu dùng dè dặt, thậm chí “nói không” với các mặt hàng thủy sản, thì sáng 23.5, nhiều ngư dân trong tỉnh đã hào hứng cho tàu vươn khơi xa. Ngư dân Nguyễn Chín, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, từ đầu tháng 5, cả chủ tàu lẫn anh em đều đã sẵn sàng ra Hoàng Sa kiếm “lộc” cá chuồn. Nhưng do ảnh hưởng của hiện tượng cá chết ở các tỉnh bắc miền Trung nên giá bán các loại cá giảm mạnh, thậm chí bạn hàng ngừng thu mua. Thấy thế, một số anh em đi bạn đề nghị hoãn phiên biển và đợi đến tận bây giờ mới ra khơi.
Ngư dân hối hả chuẩn bị nguyên liệu để vươn khơi đánh bắt hải sản. |
Trong khi đó, ngư dân Lê Tấn Ngô, hàng xóm ông Chín cũng tranh thủ nạp dầu, sửa sang và sắp xếp lại ngư lưới cụ trên tàu để sáng 24.5 cho tàu tiến ra vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. “Hy vọng phiên biển này được “lộc” để giữ chân anh em đi bạn, chứ không là khổ nữa”, ông Ngô mong mỏi. Bởi, phiên biển hồi đầu tháng 5, hơn chục tấn cá chuồn, cá nục theo tàu ông Ngô trở về từ vùng biển Hoàng Sa đã phải bán rẻ, vì bị người tiêu dùng “nói không”. Điều này khiến anh em đi bạn kém vui vì thu nhập thấp, còn chủ tàu thì lỗ tổn!
Cùng với ông Chín, ông Ngô, sau thời gian dài nghỉ ngơi và tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, hiện ngư dân trong tỉnh đang hối hả chuẩn bị vươn khơi đánh bắt với tâm thế phấn khởi và kỳ vọng. Ngư dân Tiêu Viết Hồng, xã Bình Châu (Bình Sơn) bày tỏ: “Qua vụ việc vừa rồi, tôi mong những đại biểu của dân sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để giúp đỡ và bảo vệ ngư dân”. Theo phản ánh của ngư dân, không riêng gì vụ việc cá chết ở các tỉnh bắc miền Trung vừa qua, mà nhiều lần họ gặp khó khăn vì bị bạn hàng tung tin đồn làm khó.
Hiện nay, sau những nỗ lực của ngành chức năng trong việc tuyên truyền, kiểm soát nguồn thủy sản, người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng thủy sản nên thị trường tiêu thụ dần ổn định. Giá bán một số mặt hàng thủy sản ở các chợ vì thế cũng khá cao. Tuy nhiên, tại các cảng cá, thương lái vẫn than vãn “hàng ế vì người dân nói không với thủy sản”, rồi chỉ thu mua thủy sản với giá rất thấp, thậm chí một số mặt hàng thấp hơn 1/2 khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. “Tôi lên chợ tỉnh thấy hàng cá vẫn nhộn nhịp mua bán. Cá nục tôi mua mỗi ký là 30.000 đồng, cá ngừ 80.000 đồng trong khi tại cảng, tôi bán cho thương lái giá cá nục là 10.000 đồng, cá ngừ 45.000 đồng thôi”, ngư dân Nguyễn Sinh Bảnh, xã Bình Châu nói buồn. Chính vì thế, ngư dân rất cần được hỗ trợ trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, giúp họ yên tâm bám biển.
Hầu hết các mẫu hải sản đánh bắt xa bờ đều đạt chỉ số an toàn, các mẫu rau và nước đều nằm trong ngưỡng cho phép. Đó là kết quả do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế công bố sau khi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia xét nghiệm 97 mẫu hải sản tươi sống và 42 mẫu nước, rau tại 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Sở NN&PTNT cũng tăng cường công tác xác nhận cũng như thông báo rộng rãi nguồn gốc thủy sản được khai thác ở các vùng biển an toàn, nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ sản phẩm. |
Bài, ảnh: MỸ HOA