(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù việc dự báo ngư trường khai thác hải sản đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ ngư dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả khai thác. Song, với nội dung thông tin, số lượng bản tin dự báo quá ít ỏi như hiện nay, công tác dự báo ngư trường khai thác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Công tác dự báo ngư trường khai thác thủy sản đã được Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện thường niên từ năm 1997 cho đến nay. Theo đó, các chuyên gia thủy sản sẽ dựa vào các số liệu về nguồn lợi, môi trường và thu thập nhật ký khai thác, đánh bắt của ngư dân để xác định thời gian, mùa vụ, sản lượng, vị trí phân bố của từng loài. Sau đó, phân tích thông tin và đưa ra những dự báo kịp thời, chính xác cho ngư dân trên website của Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu hải sản dưới dạng bản đồ và thuyết minh vị trí khai thác. Ngoài ra, bản tin còn được phát trên kênh thông tin của đài Thông tin duyên hải, VTV1 và VTC16. Dự báo ngư trường chính xác góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên biển, đồng thời là cơ sở khoa học để cơ quan quản lý nghề cá của mỗi địa phương định hướng phát triển nghề và vùng khai thác. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, bản tin dự báo ngư trường vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Các chủ tàu thường phải tốn thêm nhiên liệu để dò tìm vị trí khai thác. |
Điểm qua thông tin dự báo ngư trường khai thác hải sản vụ cá Bắc năm 2015 của Viện Nghiên cứu hải sản, ngư trường của nghề lưới rê ở miền Trung được dự báo sẽ kéo dài từ phía tây nam quần đảo Hoàng Sa và ở vùng ven bờ từ Phú Yên đến Khánh Hòa. Ngư trường nghề câu cá ngừ đại dương dự báo sẽ tập trung ở xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa và về phía nam của quần đảo này, kéo dài đến vĩ tuyến 13 độ Bắc...
"Thông tin dự báo về ngư trường khai thác vẫn còn mang tính chung chung quá. Trong khi điều chúng tôi cần là vị trí, thời gian phân bố cụ thể của các loài hải sản. Nếu chạy theo cả vùng mà bản tin dự báo, thì cầm chắc lỗ tổn", ngư dân Nguyễn Văn Đại ở Lý Sơn cho biết. Cũng theo ông Đại, nếu ra khơi mà tìm được ngay vị trí thuận lợi để khai thác thì tàu của ông tiêu tốn khoảng 6.000 lít dầu cho mỗi phiên biển. Nhưng nếu không thuận lợi, thì phải tốn thêm từ 1.500 – 2.000 lít dầu để chạy lòng vòng tìm luồng cá.
Ngoài phạm vi dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; số lượng, tần suất đăng tin dự báo ngư trường hiện nay cũng chưa theo kịp hành trình vươn khơi liên tục của ngư dân. Hiện nay, bản tin dự báo mới ngư trường chỉ được thực hiện 2 đợt/năm (vào tháng 4 và tháng 10) để dự báo về ngư trường khai thác vụ cá Nam và cá Bắc. Từ năm 2006, công tác dự báo ngư trường được thực hiện với tần suất cao hơn và phát hành hằng tháng cho nghề lưới vây, lưới rê, chụp mực. Đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao là cá ngừ đại dương thì được dự báo định kỳ 10 ngày. Các nghề còn lại, việc dự báo vẫn còn bỏ ngỏ.
Có thông tin dự báo về ngư trường khai thác, nhưng ngư dân không mặn mà áp dụng, mà chủ yếu vẫn đánh bắt dựa theo kinh nghiệm “cha truyền con nối” là thực tế tồn tại đã nhiều năm nay. Kiến nghị về vấn đề này, ông Lê Minh Đức - Trưởng Phòng Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) tỉnh, cho rằng: “Hiện nay, hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh phải tự linh động trong tìm kiếm ngư trường đánh bắt. Nhiều chủ tàu phải dịch chuyển liên tục trên biển để tìm vị trí luồng cá. Trong khi đó, dù có bản tin dự báo về ngư trường khai thác, nhưng phạm vi dự báo vẫn còn quá rộng, nên ngư dân không thể áp dụng . Vì vậy, ngư dân đang rất cần những dự báo chính xác về vị trí khai thác, thời gian khai thác cụ thể để có thể tiết kiệm được chi phí nhiên liệu và thời gian đánh bắt”.
Bài, ảnh: Ý THU