(Báo Quảng Ngãi)- Nội dung tiêu chí số 13 có nêu rõ, mỗi xã nông thôn mới (NTM) phải có ít nhất một hợp tác xã (HTX) hay tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả; để từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Song, với tỷ lệ HTX yếu kém chiếm khoảng 20%, HTX trung bình chiếm 50%, thì quá trình hoàn thành tiêu chí 13 trong xây dựng xã NTM trên địa bàn tỉnh sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bế tắc trong hoạt động
Mặc dù HTX Nông nghiệp Hành Phước (Nghĩa Hành) từng được xem là “cánh chim đầu đàn” của hơn 200 HTX của Quảng Ngãi. Song, từ năm 2005 đến nay, HTX NN Hành Phước chỉ hoạt động cầm chừng. Từ một HTX năng động, thực hiện đa dạng các loại hình dịch vụ như cung ứng gà giống, heo giống, quản lý lưới điện, thủy lợi... nay HTX Hành Phước chỉ còn đảm đương một nhiệm vụ, đó là quản lý hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã. “Vì không theo kịp những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nên hoạt động của HTX bế tắc. Giờ muốn mở ra bất kỳ dịch vụ gì mới cũng cần có vốn. Nhưng HTX lại không thể vay hay huy động được từ xã viên. Vì xã viên đã mất niềm tin vào HTX”, ông Phạm Công Hiệp - Giám đốc HTX NN Hành Phước chia sẻ.
HTX hoạt động cầm chừng đã kéo theo xã Hành Phước không thể hoàn thành tiêu chí số13 trong xây dựng NTM. Đây là một trở ngại cho địa phương khi đã nỗ lực hoàn thành 15/19 tiêu chí. Ngoài Hành Phước, huyện Nghĩa Hành còn có thêm hai địa phương là Hành Trung, Hành Đức, HTX hoạt động yếu kém. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng và mục tiêu của huyện là đến năm 2017, toàn huyện sẽ có 10/11 xã đạt chuẩn NTM.
Rất nhiều HTX NN chỉ còn đảm nhận dịch vụ thủy lợi, chứ không tìm kiếm được nguồn thu khác. Ảnh: Ý THU |
“Nguyên nhân chính khiến 3 HTX này hoạt động kém hiệu quả là do chưa chuyển đổi được sang mô hình HTX kiểu mới, chưa tích cực trong tìm kiếm nguồn thu nhập mới và thiếu cán bộ có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động dịch vụ. Vì vậy, từ nay đến tháng 6.2016, huyện sẽ đôn đốc các HTX trên hoàn thành việc chuyển đổi. Đồng thời làm việc với các địa phương để kêu gọi, đưa cán bộ năng động, nhạy bén về HTX”, ông Đàm Bàng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết.
Không chỉ khó khăn trong việc vực dậy hoạt động của HTX yếu kém ở khu vực đồng bằng, các huyện miền núi hiện cũng đang loay hoay với tiêu chí số 13 khi hầu hết các xã vùng cao đều chưa thành lập được HTX hoặc THT.
Tại huyện miền núi Minh Long, xã điểm NTM Long Sơn cũng đang gặp vướng ở tiêu chí 13. Hiện Long Sơn đang tích cực tuyên truyền để vận động người dân tham gia vào THT. “Theo định hướng của huyện, xã Long Sơn sẽ thành lập THT nông nghiệp, cung ứng các dịch vụ liên quan đến cơ giới hóa đồng ruộng. Song, để huy động được đủ vốn mua sắm máy gặt lúa, máy băm... đòi hỏi xã phải nỗ lực rất lớn trong công tác vận động”, ông Nguyễn Minh Chí - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long nhận định.
Nan giải bài toán về vốn
Anh Nguyễn Duy Hưng – Giám đốc HTX Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn) cho biết: "Chính phủ và tỉnh đã có nhiều chính sách về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và Luật HTX mới cũng đã ra đời từ năm 2012. Thế nhưng, các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX hiện nay nói chung rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng. Nếu có vay được cũng phải mang sổ đỏ của cá nhân, thành viên HTX thế chấp. Song, số tiền vay được cũng không nhiều. Điều này khiến cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn”.
Trao đổi về bài toán nguồn vốn cho HTX, ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: "Trước đây, Agribank có triển khai cho vay đối với HTX, nhưng 10 năm trở lại đây, chúng tôi chưa thực hiện cho vay đối tượng này. Nguyên nhân, đối với HTX muốn vay theo Nghị định 55 của Chính phủ thì phải là HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Thế nhưng, đối với địa bàn Quảng Ngãi thì số lượng HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 là rất ít. Bên cạnh đó, các HTX không đáp ứng được các tiêu chí về hồ sơ pháp lý, phương án kinh doanh, khả năng tài chính... nên ngân hàng không thể cho vay. Còn những HTX đủ điều kiện để vay thì lại không thấy có nhu cầu".
HTX là một trong những tiêu chí xây dựng NTM khiến các xã nỗ lực xây dựng tổ chức kinh tế tập thể này. Tuy nhiên, với thực trạng nội lực kinh tế HTX còn yếu; cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh lạc hậu; quy mô còn nhỏ, nội dung hoạt động chưa phong phú, hiệu quả thấp; khả năng cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế... khiến cho ngân hàng không mặn mà với HTX.
Do đó, để mô hình kinh tế hợp tác, HTX phát triển theo đúng chủ trương, chính sách thì trước hết bản thân các HTX phải chủ động đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm để phù hợp với Luật HTX năm 2012. Mặt khác, các thành viên trong HTX phải có trách nhiệm và đồng lòng vì kinh tế tập thể, tránh trường hợp “cha chung không ai khóc”. Về phía ngành ngân hàng cũng cần đồng hành, chia sẻ với các HTX, qua đó sớm cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã ban hành, mạnh dạn cung ứng vốn, góp phần phát triển mạnh mẽ mô hình HTX kiểu mới...
H.HOA – Y.THU