(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển kinh tế biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh đề ra trong 5 năm đến. Do đó, cùng với việc hỗ trợ ngư dân đóng mới những đội tàu lớn mạnh để bám giữ ngư trường truyền thống, thì dịch vụ hậu cần nghề cá phải được chú trọng đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác, đánh bắt, tăng hiệu quả kinh tế.
Hậu cần trên biển
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn 168 của Công ty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá thứ hai của Quảng Ngãi vừa được đưa vào vận hành khai thác. Đây là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại nhất cả nước được đóng mới theo Nghị định 67. Ngoài nhiệm vụ thu mua trực tiếp hải sản trên biển, tàu dịch vụ hậu cần này còn cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu, đá lạnh cho tàu đánh bắt xa bờ. Hiện nay, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn đã kết nối với 40 tàu đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa để bao tiêu sản phẩm sau đánh bắt cho ngư dân. Hoạt động này đã giúp cho ngư dân kéo dài được thời gian đánh bắt trong mỗi phiên biển và tiết kiệm được chi phí.
Quảng Ngãi đang phát triển đội tàu vỏ thép để nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ. Ảnh: đình diệu |
Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh đầu tư mở rộng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, quy hoạch các khu dịch vụ để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Khi thực hiện tốt dịch vụ trên bờ thì ngư dân sẽ có nơi tập trung sản phẩm vào các cảng cá, bến cá của Nhà nước đầu tư. Đồng thời quản lý được chất lượng sản phẩm, tàu thuyền và sản phẩm của ngư dân sẽ có tính cạnh tranh và không phụ thuộc vào đầu nậu như lâu nay". Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. |
"Trước đây đánh bắt xa bờ thường “đứt quãng” nên rất bất tiện. Nếu gặp luồng cá lớn mà hết nhiên liệu thì coi như lỗ tổn. Nhưng giờ trên biển đã có tàu cung cấp nhiên liệu nên đánh bắt thoải mái. Vừa tiết kiệm được chi phí mà sản lượng đánh bắt cũng cao hơn”, ông Nguyễn Tấn Minh, chủ tàu cá ở Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) cho hay.
Tăng cường dịch vụ trên bờ
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã sửa chữa, đóng mới tàu thuyền phát triển để góp phần hiện đại hóa đội tàu của tỉnh. Vì thế, các cơ sở này từng bước đáp ứng được nhu cầu sửa chữa và đóng mới tàu có công suất lớn.
Còn tại Lý Sơn, với đội tàu trên 400 chiếc, tổng công suất hơn 60.000CV, huyện đảo này tiếp tục xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn của huyện. Do vậy, trong những năm qua, Lý Sơn đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung ương, của tỉnh và đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Lý Sơn cũng có đề án phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá về thu mua, chế biến hải sản, đặc biệt là thu mua và cung cấp nhiên liệu, thức ăn, đá lạnh ngay trên cảng biển để giúp ngư dân bám biển dài ngày. Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Vấn đề quy hoạch cụm dịch vụ hậu cần nghề cá đã được huyện triển khai. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút cá nhân, doanh nghiệp xây dựng các khu dịch vụ và phát triển hơn nữa các dịch vụ hậu cần ngay trên bờ để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân”.
Việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ đang được các địa phương ven biển quan tâm đầu tư. |
Quảng Ngãi hiện có đội tàu trên 5.500 chiếc, với tổng công suất trên 1,1 triệu CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ trên 3.000 chiếc, sản lượng khai thác hằng năm trên 160 nghìn tấn. Để đáp ứng nhu cầu của đội tàu công suất lớn ngày càng tăng này, các dịch vụ hậu cần nghề cá như thu mua hải sản trên biển, dịch vụ sửa chữa, đóng tàu và thu mua, chế biến trên bờ từng bước được đầu tư mạnh mẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác và yên tâm bám biển.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
"