Dịch vụ hậu cần nghề cá: Sớm đầu tư để đáp ứng nhu cầu của ngư dân

02:02, 08/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện mục tiêu đưa khai thác hải sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, với nhiều chính sách, Nhà nước đã hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, đầu tư trang thiết bị, ngư lưới cụ… vươn khơi. Đối với Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 2.000 chiếc tàu cá lớn nhỏ. Thế nhưng, dịch vụ nghề cá hiện nay còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân…

TIN LIÊN QUAN

Hậu cần còn yếu

Theo Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có 8 cảng cá, bến cá và đặc biệt, những điểm nằm trong quy hoạch xây dựng sẽ là nơi dành cho hàng nghìn tàu neo tránh trú bão. Chính những quy hoạch này đã và đang mang lại cho ngành khai thác thủy sản những bước đột phá mới, và ngư dân an tâm cho tàu thuyền vào neo trú mỗi khi biển động.

Cảng cá Mỹ Á thường xuyên bị bồi lấp khiến cho việc neo trú tàu thuyền của ngư dân gặp khó.           Ảnh: LÊ ĐÚC
Cảng cá Mỹ Á thường xuyên bị bồi lấp khiến cho việc neo trú tàu thuyền của ngư dân gặp khó. Ảnh: LÊ ĐÚC


Theo đó, từ năm 2008 đến nay, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh và các cấp, ngành đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả 4 dự án, gồm: Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, Cảng cá Sa Huỳnh, Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á và đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào khu dịch vụ hậu cần nghề cá với mục tiêu có thể đáp ứng khả năng neo đậu sau khi xây dựng hoàn thành là 1.750 chiếc.

 Mặc dù công suất thiết kế cảng, vũng neo đậu khá lớn, thế nhưng, cũng chỉ mới đáp ứng cho 1/3 lượng tàu thuyền của tỉnh. Bên cạnh đó, diện tích, khả năng đáp ứng cho tàu thuyền neo đậu chưa đủ, chưa an toàn.

Việc đầu tư các hạng mục tại các cảng cá chưa đồng bộ nên khả năng cung cấp các dịch vụ hậu cần cho số lượng tàu cá hiện có trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng luồng lạch tàu cá ra vào thường xuyên bị bồi lấp làm hạn chế thu hút tàu thuyền về địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động nghề cá ở các cửa biển.

 “Nếu các cảng neo trú đảm bảo được độ an toàn thì bà con chúng tôi không phải mất công sau mỗi chuyến ra khơi là phải cập cảng Đà Nẵng để bán cá. Có muốn về thăm gia đình thì phải mất tiền mua vé xe nữa. Nếu các cảng cá ở quê an toàn cho tàu thuyền cập bến thì ngư dân chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn” – ngư dân Lê Tấn Nhật, xã Phổ Quang (Đức Phổ) bày tỏ.

Sớm đầu tư để ngư dân an tâm neo đậu tàu thuyền

Dù có kế hoạch và đầu tư bài bản về quy mô các cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, có thể thấy, thời gian qua nhiều chủ tàu có công suất lớn thường xuyên phải “di cư” đến neo đậu ở các cảng biển của các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Khánh Hòa để bán cá. Điều này khiến cho dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh và các tiểu thương cũng như người làm công ở các cảng cá mất nguồn thu đáng kể.

Cảng cá Tịnh Hòa, một trong những công trình đang phát huy hiệu quả.
Cảng cá Tịnh Hòa, một trong những công trình đang phát huy hiệu quả.


Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, hiện nay tỉnh đã kêu gọi đầu tư các khu dịch vụ hậu cần tại các cảng cá. Đến nay, hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng cá có một số hạng mục đã được các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động. Có một số dự án đang trong quá trình triển khai thi công như vũng neo trú tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2), Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ; Cầu cảng cá sông Trà Bồng và dự án Cảng neo trú tàu thuyền cửa biển Mỹ Á (giai đoạn 2) cũng đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công trong thời gian đến.

Nhìn chung, các hoạt động dịch vụ hậu cần như xăng dầu, đá lạnh, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, nhu yếu phẩm tại cảng cá và khu vực xung quanh cảng cá bước đầu đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của tàu thuyền khi vào neo đậu, bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, vị trí cảng nằm ở cửa sông, bãi ngang ven biển, khí hậu thường biến đổi thất thường, tình trạng bồi lấp cửa biển diễn ra thường xuyên.

Trong khi đó trình độ khoa học, kỹ thuật của các cơ quan tư vấn trong nước còn hạn chế. Hơn nữa, vì hạn chế về nguồn vốn nên việc đầu tư thiếu đồng bộ, phải phân kỳ đầu tư kéo dài trong nhiều năm hay chỉ đầu tư giai đoạn  một như khu neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Mỹ Á... Chính điều này dẫn đến việc quy hoạch, hoạch định tổng thể các dự án chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, diện tích mặt bằng để đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Để các khu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh phát triển một cách bền vững, cần phải quy hoạch khoa học, phù hợp với từng vùng. Các công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phải được đầu tư đồng bộ. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia đầu tư vào các khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khi đó, các cảng cá mới thật sự  là nơi neo đậu trú bão an toàn, hiệu quả cho tàu cá của bà con ngư dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.