HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá: Nhọc nhằn thủ tục thuê đất

09:08, 14/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá ra đời với mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế biển ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hầu hết các HTX đã thành lập đều chưa thể đi vào hoạt động đúng nghĩa chỉ vì thiếu đất làm trụ sở, thiếu mặt bằng.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 20.4.2012, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ (HTX) giai đoạn 2012 – 2015. Đây là một chủ trương đúng đắn, với nhiều chính sách ưu đãi về đất đai phù hợp. Thế nhưng vì nhiều lý do khiến khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn quá xa.

Không có trụ sở vì chưa thuê được đất!

Sau đúng 3 năm thành lập, vật vã đi lại, đợi chờ, nhưng đến nay việc giải quyết thủ tục cho thuê đất đối với  HTX Bình Chánh – HTX đánh bắt xa bờ được thành lập đầu tiên ở Quảng Ngãi vẫn… nằm trên giấy! Ông Nguyễn Hữu Ngọt – Giám đốc HTX Bình Chánh ngậm ngùi bảo: “Tôi đeo đẳng gõ cửa từ xã đến huyện, rồi lên tỉnh 3 năm trời rồi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết cho thuê đất. Càng đi càng thấy khó khăn và thật sự bây giờ HTX vô cùng lúng túng và bế tắc vì thủ tục thuê đất”.

Đóng tàu cá ở HTX Phổ Quang – HTX duy nhất trong 5 HTX đánh bắt xa bờ sau thành lập đã hoạt động hiệu quả.
Đóng tàu cá ở HTX Phổ Quang – HTX duy nhất trong 5 HTX đánh bắt xa bờ sau thành lập đã hoạt động hiệu quả.


Ông Ngọt nhẩm tính, HTX được thành lập tháng 8.2011, đến tháng 8.2013, tức là 2 năm sau mới được UBND xã Bình Chánh giới thiệu địa điểm cho thuê đất. Đó là khu đất rộng hơn 3.000m2 tọa lạc tại thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh. Thế nhưng đất chưa chuyển đổi chức năng sử dụng nên không cho thuê ngay được.  HTX Bình Chánh lại phải lập tờ trình xin chuyển đổi diện tích đất này từ đất dự trữ sang đất xây dựng. Và thủ tục này phải qua nhiều sở, ngành, kéo dài gần một năm sau mới được UBND tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, khi cầm trong tay công văn đồng ý chấp thuận giới thiệu địa điểm, cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất của UBND tỉnh thì HTX Bình Chánh lại… rơi vào lúng túng, bế tắc.

Công văn số 2440/UBND-CNXD ngày 17.6.2014 của UBND tỉnh thống nhất cho phép HTX Bình Chánh xây dựng trụ sở trên diện tích 3.150m2 tại xã Bình Chánh và yêu cầu HTX phải thực hiện các nhiệm vụ sau: Khảo sát địa hình, thiết kế mặt bằng, lập dự án, phương án bồi thường; hoàn chỉnh hồ sơ liên quan đến thu hồi đất, giao đất trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định để UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, Giám đốc HTX Bình Chánh Nguyễn Hữu Ngọt cho rằng: “Trình độ cán bộ HTX yếu nên từ khi nhận công văn này của UBND tỉnh đành xếp vào tủ. Có lẽ lại phải chạy lên UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường nhờ hướng dẫn thực hiện”.

Sau 3 năm thành lập, HTX Bình Chánh vẫn chưa có trụ sở làm việc. Khi mới ra đời, HTX được “chiếu cố” cho mượn nhà I-com cộng đồng treo biển hiệu làm trụ sở được mấy tháng. Sau đó “trụ sở” này bị lấy lại. Từ giữa năm 2012 đến nay, ông Nguyễn Hữu Ngọt phải cho mượn nhà mình làm trụ sở tạm để có chỗ giao dịch với khách hàng, sinh hoạt xã viên.

Cấp đất “không sạch” cho HTX!

HTX Phổ Thạnh thành lập vào tháng 12.2012. Hiện nay HTX này đã được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 703m2 đất tại khu công nghiệp quản lý cảng cá xã Phổ Thạnh. Tuy nhiên, trong diện tích đất cấp cho HTX này có 5 ki-ốt của người dân lấn chiếm xây dựng trái phép từ trước đó với diện tích 100m2. Chính vì đất được cấp đã bị lấn chiếm nên HTX không thể đầu tư xây dựng trụ sở cũng như cải tạo mặt bằng hoạt động sản xuất.

HTX Phổ Thạnh đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, song đến nay vẫn chưa dứt điểm. Về vụ việc cấp đất có tranh chấp cho HTX Phổ Thạnh, Liên minh HTX tỉnh cũng đã kiến nghị với UBND huyện Đức Phổ giải quyết. Ông Phạm Hoài Nam-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã có ý kiến đề nghị UBND huyện Đức Phổ giải tỏa 5 hộ làm ki-ốt trái phép trên diện tích đất đã được cấp cho HTX Phổ Thạnh nhưng chưa thấy huyện trả lời”.

Theo Đề án được phê duyệt, đến năm 2015 Quảng Ngãi sẽ thành lập và đưa vào hoạt động 10 HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến tháng 8.2014, toàn tỉnh đã có 5 HTX ra đời, gồm: HTX Bình Chánh (Bình Sơn), Nghĩa An, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Phổ Thạnh, Phổ Quang (Đức Phổ). Tuy nhiên đến nay mới chỉ có HTX  Phổ Quang đi vào hoạt động đúng chức năng, có vốn hoạt động 2,5 tỷ đồng; đã đóng và cho xuất xưởng 3 tàu cá công suất lớn. Còn HTX Bình Chánh thì chỉ hoạt động lĩnh vực tín dụng nội bộ nhỏ lẻ. 3 HTX còn lại là Nghĩa An, Tịnh Kỳ, Phổ Thạnh vẫn “nằm im”. Nguyên nhân chính khiến các HTX sau khi thành lập chưa đi vào hoạt động là do thiếu đất xây dựng trụ sở, tạo mặt bằng để sản xuất kinh doanh.

HTX Nghĩa An và HTX Tịnh Kỳ cũng có “phần đất” khá lớn để xây dựng trụ sở và hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, HTX Nghĩa An được duyệt tới 17.600m2; HTX Tịnh Kỳ là 17.900m2 đất. Thế nhưng sau 8 tháng được duyệt, diện tích ấy vẫn nằm trên giấy vì đang bị vướng do… sáp nhập địa giới hành chính vào TP.Quảng Ngãi. “Đề nghị UBND TP.Quảng Ngãi quan tâm giải quyết thủ tục đất cho 2 HTX Nghĩa An và Tịnh Kỳ để HTX sớm đi vào hoạt động”, ông Phạm Hoài Nam - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh kiến nghị.

Việc thành lập HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá là cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Vì thế những vướng mắc kể trên cần sớm được tháo gỡ, góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.