Dồn điền đổi thửa: Nơi thông, chỗ "tắc"

09:03, 02/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng được xem là một trong những yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, kết quả và tiến độ thực hiện DĐĐT ở các địa phương lại không đồng đều…    

TIN LIÊN QUAN

Nơi thông suốt…

Đồng ruộng bằng phẳng, đường sá rộng rãi, kênh mương bao quanh, tưới tiêu thuận lợi... là những gì mà người dân hai thôn Phú An và Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) thụ hưởng khi sản xuất trên cánh đồng 60ha vừa được DĐĐT. “Nhà tôi có ba sào ruộng mà ở hai chỗ khác nhau nên mất công thăm nom lắm. Giờ ruộng được quy về một mối, lại gần đường, sát mương nên làm gì cũng tiện”, bà Nguyễn Thị Linh, thôn Nghĩa Lập chia sẻ. Theo bà Linh, trước đây đồng ruộng ở Nghĩa Lập nhấp nhô, nơi cao chỗ thấp nên thường rơi vào cảnh “nắng khát, mưa úng”. Việc sản xuất vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn.

 Dồn điền đổi thửa giúp việc sản xuất của người dân thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) thuận lợi và tiết kiệm chi phí.
Dồn điền đổi thửa giúp việc sản xuất của người dân thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) thuận lợi và tiết kiệm chi phí.


Tuy nhiên, sau khi cánh đồng Nghĩa Lập được DĐĐT, nông dân nơi đây không còn cảnh đi sớm về khuya để “giữ” nước vì có hệ thống kênh mương bao bọc. Chuyện vác lúa, thồ rơm cũng lùi vào quá khứ, khi mà đường nội đồng được cấp phối, rộng 3,5 – 4m nên xe tải thuận lợi ra vào vận chuyển. Sự thay đổi này không chỉ giúp nông dân thuận lợi trong việc chăm sóc, tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần phân công lao động địa phương. “Trước đây, cứ tới mùa thua hoạch lúa là con cái phải gác việc ở xa về làm, chứ tôi đâu vác lúa nổi. Nhưng từ khi DĐĐT thì chúng nó không phải mất công đi về vì có máy gặt, còn lúa thì được xe ra tận ruộng chở về nhà”, ông Nguyễn Bảy, thôn Phú An bày tỏ.

Nhận thấy hiệu quả của việc DĐĐT ở hai cánh đồng Nghĩa Lập và Phú An, người dân các thôn còn lại cũng đề nghị UBND xã Đức Hiệp khẩn trương DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng thôn mình. Và dù việc DĐĐT để phục vụ việc làm đường sá, kênh mương sẽ khiến diện tích ruộng mỗi hộ bị hao hụt 15m2/sào, nhưng chẳng ai bận tâm. Bởi nói như bà Nguyễn Thị Mai, thôn Phước Sơn thì: “Mất chừng đó diện tích nhưng chúng tôi đi lại thuận lợi, tưới tiêu dễ dàng, năng suất lúa tăng thì cũng đáng”.
 

Kinh nghiệm từ Đức Hiệp


Tại xã Đức Hiệp (Mộ Đức), để hoàn thành việc DĐĐT 60ha trong thời gian 30 ngày, lãnh đạo xã, thôn đã chuẩn bị trước đó một năm. Từ việc thông báo kế hoạch, tổ chức họp dân lấy ý kiến đến niêm yết, công khai bản thiết kế, kinh phí thực hiện... Sự chu đáo này không chỉ đẩy nhanh tiến độ thực hiện DĐĐT, mà còn được lòng dân vì không gây ảnh hưởng đến việc sản xuất. Đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương tham khảo trong quá trình triển khai thực hiện DĐĐT.

… chỗ ách tắc

Trong khi người dân các xã Đức Hiệp, Đức Phú (Mộ Đức), Tịnh Trà (Sơn Tịnh), Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) hay Bình Dương, Bình Mỹ (Bình Sơn)... viết đơn xin DĐĐT thì, một số địa phương lại gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện công tác này; đơn cử như xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).  

Theo phản ánh của người dân xã Nghĩa Hiệp, dù ủng hộ chủ trương DĐĐT nhưng họ không đồng tình với quá trình thực hiện DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét. Bởi theo họ, lấy đất sét quá sâu khiến ruộng tốt hóa xấu, lại thấp trũng, ngập úng. Hơn nữa, xã cũng không công khai các khoản chi phí thực hiện.

Về vấn đề trên, theo ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT, ngoài việc giám sát thi công trì trệ thì nguyên nhân chính xảy ra thực trạng này là do chính quyền chưa giải thích, công khai và minh bạch thông tin về độ sâu, biện pháp thi công ở từng lô thửa để người dân nắm bắt. Vì thiếu thông tin, lại không được tham gia giám sát nên người dân không tin tưởng, dẫn đến việc cản trở quá trình thi công. “Nếu chính quyền cơ sở sâu sát, kiên trì vận động, giải thích kịp thời những vướng mắc của dân thì không có chuyện người dân bất hợp tác”, ông Tô nhấn mạnh.

Như ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), khi địa phương này triển khai thực hiện DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét ở cánh đồng Mới đã gặp không ít khó khăn vì… một hộ dân! Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho hay, phải nhờ chính quyền thôn, xã kiên trì vận động; rồi công khai chi tiết quy trình và các khoản kinh phí thu, chi; đồng thời mời tất cả hộ dân có đất nằm trong vùng ảnh hưởng vào Ban giám sát để trực tiếp giám sát quá trình thi công thì người dân yên tâm. Vì thế, từ nghi ngờ, họ quay sang ủng hộ. Nhất là khi đồng ruộng sau DĐĐT bằng phẳng, nước tưới tiêu đảm bảo, việc sản xuất thuận lợi hơn trước rất nhiều.
      

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.