(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015, được xem là năm đổi mới của nhiều chính sách tín dụng. Trong đó, những đổi mới trong chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn và việc gỡ bỏ những “điểm nghẽn” cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 bằng Nghị định 89 là một trong những đột phá, giúp dòng vốn này khơi thông.
Dòng vốn cho “tam nông”
Cách đây 5 năm, Chính phủ ban hành Nghị đinh 41/2010/NĐ-CP về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở nông thôn được vay vốn theo quy định không phải thế chấp tài sản để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.
Nghị định 67 ra đời đã giúp nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi, bám biển. |
Chính việc đẩy mạnh chính sách tín dụng cho “tam nông” đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất phục vụ cho nông nghiệp được xây dựng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở vùng nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn mua sắm máy móc, phục vụ cơ giới nông nghiệp, giảm chi phí, tăng thu nhập, nâng cao được đời sống.
Tuy nhiên, trước sự tiến triển của xã hội, Nghị định 41 đã dần bộc lộ những bất cập. Do đó, vào tháng 6.2015 Nghị định 55 ra đời thay cho Nghị định 41 được xem là một “cú huých” cho tín dụng “tam nông”. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT (Agribank)-Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2015 ước đạt trên 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ so với năm 2010. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn ước đạt trên 4.550 tỷ đồng, chiếm 87% tổng dư nợ cho vay. Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị định 55, trên địa bàn tỉnh, dư nợ đã tăng lên 300 tỷ đồng so với Nghị định 41.
Bên cạnh đó, những điểm mới trong Nghị định 55 về mở rộng đối tượng, tăng mức cho vay... đã tháo gỡ nhiều nút thắt cho tín dụng nông nghiệp. Trong đó, những quy định về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được rất nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp quan tâm. Bởi rất nhiều doanh nghiệp, HTX trồng rau, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cần lượng vốn lớn để tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, với sản xuất nông nghiệp, đồng vốn thường gặp những rủi ro khách quan, bất khả kháng, vì thế Nghị định 55 cũng có những quy định khá cụ thể về trích lập dự phòng rủi ro và cơ chế xử lý khoanh nợ, xóa nợ... khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Nhờ đó, đã giúp doanh nghiệp, HTX và nông dân an tâm hơn trong quá trình sản xuất.
Gỡ “nút thắt” cho “tàu 67”
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ở khu vực miền Trung có lợi thế về phát triển kinh tế biển. Chính vì vậy, những năm qua, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã mạnh dạn cải hoán và đóng mới tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường lớn Trường Sa, Hoàng Sa. Tuy nhiên, để kinh tế biển thật sự phát triển theo hướng bền vững thì cần phải có những đội tàu hiện đại có công suất lớn.
Nghị định 67 về “Một số chính sách phát triển thủy sản” ra đời đã đáp ứng nguyện vọng của hàng nghìn ngư dân trong việc vay vốn để hiện đại hóa tàu cá.
Đến nay, Quảng Ngãi đã có hàng chục chiếc tàu công suất lớn được đóng theo Nghị định 67. Đặc biệt, trong đó có hai chiếc tàu vỏ thép là Sangfish 01 và Hoàng Anh 01 với công suất 800CV được trang bị hệ thống định vị vệ tinh cùng hàng loạt trang thiết bị hiện đại, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đó được thể hiện qua năng lực đánh bắt luôn đạt từ 12 – 15 tấn cá sau ba ngày ra khơi.
Tuy đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nhưng trong quá trình triển khai, Nghị định 67 đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến ngư dân không mặn mà với chính sách ưu đãi này. Để tháo gỡ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 với nhiều sửa đổi, bổ sung thay cho Nghị định 67 trước đó. Trong đó, điểm mới khiến ngư dân vui nhất là trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu thì thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đã được nâng lên 11 năm. Riêng đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới được nâng lên 16 năm. Và năm đầu tiên sau khi giải ngân, chủ tàu được miễn lãi cũng như chưa phải trả nợ gốc. Mặt khác, việc thu hồi vốn và trả nợ được trải đều các năm nên áp lực trả nợ sẽ giảm đi đáng kể. Nghị định 89 cũng tạo thuận lợi hơn cho ngư dân khi được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên.
Với hàng loạt đổi mới trong chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân và ngư dân, hy vọng trong năm 2016, dòng tín dụng đầu tư cho lĩnh vực rộng lớn này sẽ khơi thông mạnh mẽ hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
NHẬT UYÊN