NMLD Dung Quất: Văn hóa là động lực phát triển

10:01, 21/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với một nhà máy lọc dầu (NMLD) đồ sộ cỡ nhất nước, thì nói trước tiên tới điều này có vẻ hơi… buồn cười. Nhưng đúng là tôi đang muốn nói về… nụ cười. Nụ cười của những cán bộ công nhân viên chức đang làm việc trong NMLD Dung Quất. Những nụ cười tôi có thể gặp ở bất cứ nơi đâu khi tới thăm nhà máy này.

TIN LIÊN QUAN

Những nụ cười đặc biệt thân thiện, dễ mến, dễ gần của những người lao động là ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà máy lọc dầu. Họ khác nhau nhiều thứ, nhưng giống nhau ở nụ cười cởi mở, nụ cười như một thứ “bảo bối” giúp họ chiến thắng căng thẳng, hóa giải stress, nó khiến cho mỗi giây phút lao động của họ trong nhà máy trở nên có ý nghĩa hơn, thanh thản hơn.

Chuyện từ bếp ăn

Thỉnh thoảng xuống làm việc với nhà máy, tôi có dự bữa ăn trưa với người lao động ở đây. Dĩ nhiên, với NMLD Dung Quất, thì việc cung cấp đủ năng lượng cho mỗi người lao động, từ kỹ sư tới công nhân là việc ban lãnh đạo hết sức quan tâm. Hơn thế, bữa ăn hàng ngày của người lao động không chỉ đủ chất, hợp vệ sinh, thực phẩm sạch, mà còn phải... ngon. Và ngon chính là một đặc trưng của văn hóa ẩm thực được các đầu bếp ở đây coi là một nhiệm vụ nhất thiết phải hoàn thành. “Cơm dẻo canh ngọt” chính là văn hóa, và trong mỗi bữa cơm, yếu tố “ngon miệng” luôn được đặt lên hàng đầu.

Nụ cười thân thiện luôn hiện diện trong khuông viên NMLD Dung Quất. Ảnh: THANH NHƯ
Nụ cười thân thiện luôn hiện diện trong khuông viên NMLD Dung Quất. Ảnh: THANH NHƯ


Với người lao động ở đây, nếu chỉ “ăn cho no” hay “ăn cho đủ chất” thì không thể đủ năng lượng phục vụ cho những công việc lao động đòi hỏi sự tập trung cao độ. Bởi năng lượng tiếp thu từ bữa ăn còn do yếu tố “ngon miệng” dẫn dắt. Sự hứng khởi, cảm giác bình yên phải tới từ những bữa ăn gây được niềm vui và cảm giác ngon miệng cho người lao động ở NMLD Dung Quất. Đó là một yêu cầu cao hơn so với nhiều nhà máy, xí nghiệp hay công ty khác trong nước. Dù chỉ là bữa ăn thường, nhưng văn hóa ẩm thực và văn hóa ứng xử đã đường hoàng đi vào mỗi mâm cơm của cán bộ kỹ sư, công nhân NMLD Dung Quất.

Tôi là người rất quan tâm tới chuyện... ăn uống, không chỉ ăn cái gì mà còn ăn như thế nào, nên tôi khá hài lòng khi chứng kiến và cùng tham gia vào bữa ăn ở ngay căng-tin của nhà máy. Cứ đúng giờ nghỉ ăn trưa, xe ô tô lại chở cán bộ kỹ sư công nhân từ nơi làm việc tới nhà ăn. Mọi thứ đều đã sẵn sàng đón chào họ: Một bữa ăn không chỉ đủ chất mà còn ngon miệng. Một không khí vui tươi, thoải mái lan tỏa khắp nhà ăn, nó khiến cho mọi người hóa giải được những nhọc mệt. Đã có thời gian “văn hóa ẩm thực” ở bếp ăn nhà máy chưa thực hiện tốt-trách nhiệm ở nhà thầu-và lãnh đạo nhà máy đã lập tức có biện pháp thay đổi, tháo gỡ, cải tiến. “Có thực mới vực được... nhà máy”, đúng như vậy.

Đến văn hóa doanh nghiệp

Từ ngày chính thức hoạt động, NMLD Dung Quất luôn coi việc trợ giúp an sinh cho nhân dân huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi là mục tiêu tình nghĩa đặc biệt của mình. Hằng năm, nhà máy đều dành nhiều tỷ đồng cho hoạt động trợ giúp an sinh xã hội. Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Hoài Giang thường nói với cánh nhà báo chúng tôi: “Vì nhân dân Bình Sơn và Quảng Ngãi, nhà máy xin hết lòng! Giúp được gì cho nhân dân còn nghèo khổ bệnh tật ở đây là trách nhiệm đầy vinh dự của chúng tôi.” Quỹ mổ tim bẩm sinh “Vì những trái tim bé bỏng” do chúng tôi lập ra từ 5 năm nay luôn được NMLD Dung Quất đồng hành, chia sẻ, trợ giúp. Không chỉ giúp tiền bạc, nhà máy còn đáp ứng mọi yêu cầu của Quỹ trong sự nghiệp vì mục tiêu “Trả về những trái tim khỏe mạnh” cho các em bé Quảng Ngãi bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Đó là văn hóa, là sự kết nối cộng đồng đẹp đẽ nhất mà một trung tâm công nghiệp lớn làm được, vì nhân dân, vì trẻ em.

Văn hóa là cách sống, là cách ứng xử hằng ngày giữa mọi người với nhau. NMLD Dung Quất có hàng nghìn cán bộ, kỹ sư công nhân, sắp tới khi nâng cấp và mở rộng, nhà máy sẽ có những thời điểm tập trung hàng vạn lao động. Nếu không có những bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà máy, trên công trường áp dụng cho cả vạn người, thì không thể tránh được những “sự cố” trong quan hệ giữa con người với nhau.

Từ nhiều năm nay, qua ba thời Tổng giám đốc và một Chủ tịch hội đồng thành viên, những bộ quy tắc lao động và ứng xử trong nhà máy, giữa nhà máy với xã hội đã hình thành và đang “cầm chịch” cho những hoạt động mang tính văn hóa trong cộng đồng nhà máy. Những hành động hiếu lễ, những quan tâm giúp đỡ nhau rất cảm động giữa mọi người đang công tác trong NMLD luôn diễn ra hàng ngày. Văn hóa rèn luyện nhân cách, và nâng cao lòng nhân ái cho mỗi con người. Nó cũng xóa dần đi những tật xấu như ích kỷ, đố kỵ, kèn cựa, để mỗi con người trong cộng đồng nhà máy cảm thấy nhà máy này là một gia đình lớn của mình. Chúng ta hay nói tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực, nhưng nếu lo đào tạo chuyên môn thuần túy thì người lao động trong nhà máy chỉ trưởng thành có một nửa. “Nửa còn lại” đó chính là văn hóa, là tình nhân ái, là sự sẻ chia, là lòng trắc ẩn. Thiếu “một nửa” đó, người lao động dù giỏi chuyên môn vẫn chưa phải hoàn thiện là một con người đúng ý nghĩa con người.

Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với những người lao động trong NMLD Dung Quất, từ lãnh đạo tới công nhân, và ấn tượng lớn nhất của tôi vẫn là “chất trẻ” của họ. Họ trẻ cả tuổi đời, trẻ về kinh nghiệm sống, nhưng họ khát khao và sẵn sàng cống hiến. Họ không bao giờ chịu dừng lại, vì ngày mai với những kiến thức mới, kỹ năng mới, trải nghiệm mới đang chờ đón họ lao về phía trước. Đó là cái “lao” của khát khao, của mơ ước. Nhưng họ lại biết dừng để lắng nghe, để quan tâm tới người khác. Đó là cái “dừng” của văn hóa. Và đó chính là động lực cho NMLD Dung Quất phát triển.

Không chỉ nhà máy chạy với 100% công suất, mà mỗi thành viên trong nhà máy cũng vận hành tối đa con người có văn hóa của mình để phát huy những tiềm năng còn ẩn chứa, để sống đẹp cuộc đời mình và đẹp cho nhà máy của mình.                  

Văn hóa trong cảnh quan nhà máy


Trong khuôn viên nhà máy có hẳn một công viên mi-ni, nơi đặt bức tượng bán thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để tưởng nhớ người đã có công rất lớn cho sự ra đời của NMLD Dung Quất. Bức tượng nhiều xúc cảm thể hiện Bác Sáu Dân (tên thường gọi của Bác Võ Văn Kiệt) do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng-một nghệ sĩ từng rất thân thiết với Bác Sáu Dân sáng tạo, đã như một biểu trưng văn hóa và ân tình của NMLD Dung Quất. Công viên mi-ni đầy cây xanh, thấp thoáng nhiều loài hoa nở, và thực sự thành “trung tâm dưỡng sinh” của nhà máy, khi mỗi người vào đây đều cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Nghe nói sắp tới nghệ sĩ Phạm Văn Hạng còn thiết kế và thực hiện một cổng vào hiện đại và cá tính cho nhà máy. Để nhà máy trở nên gần gũi và thân thiện với mọi người, nhất là với những người lao động hằng ngày trong tổ hợp khổng lồ này. 

    
THANH THẢO




 


.