(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù nguyên liệu, lương thực liên tục tăng cao, không ít chuyến đi biển gặp nhiều bất trắc, nhưng bằng kinh nghiệm đánh bắt của mình, ngư dân trong tỉnh vẫn vững tâm vươn khơi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vừa kết thúc chuyến biển trở về, chủ tàu QNg 92972 Nguyễn Đức, thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) chuẩn bị lấy đá cây, lương thực tranh thủ ra khơi trở lại. Ông Đức cho rằng, năm nay, làm ăn khó nhưng khó cũng phải bám biển thôi. Giờ chỉ còn vài chuyến nữa là đến mùa biển động nên tranh thủ...
Các tàu chuyển cá vào bờ để tiếp tục phiên biển mới. |
Ông Đức hành nghề lưới chuồn ở khu vực biển Hoàng Sa của Việt Nam đã hơn 20 năm. Ông thuộc làu từng vùng biển nên đánh bắt luôn hiệu quả. Từ chiếc tàu nhỏ, giờ ông có chiếc tàu trên 400CV, cuộc sống gia đình ông cũng dần khá lên từ đó. Thế nhưng, năm nay, Trung Quốc gia tăng hoạt động cản trở, uy hiếp, hăm dọa, xua đuổi ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển này nên trong những chuyến biển vừa qua, ông Đức luôn gặp trở ngại.
Từ đầu năm đến nay, ông Đức cùng bạn tàu đã ra khơi được bốn chuyến biển. Đồng lòng ra khơi càng cho thấy sự vững tâm của ngư dân đi biển. Và với kinh nghiệm đi biển của mình, dù đánh bắt khó khăn hơn, nhưng tàu ông Đức chưa có chuyến nào thất thu. Chuyến thì 5 – 10 tấn, cá biệt có chuyến đầu năm đánh bắt được đến 14 tấn, nâng tổng giá trị 4 chuyến đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí ông thu về 300 triệu đồng, còn mỗi bạn tàu cũng được hơn 40 triệu đồng.
Ở xã biển Phổ Thạnh (Đức Phổ), ngư dân Nguyễn Sáu, người đầu tiên trong tỉnh đưa chiếc tàu đóng mới theo Nghị định 67 ra khơi, cũng cùng chung nhận xét như ông Đức. Kể từ ngày được hạ thủy, “tàu 67” này đã ra khơi được 3 chuyến biển. Mặc dù, tàu mới, máy tốt, vận hành trên biển thuận lợi nhưng do ngư trường đánh bắt ngày càng khan hiếm cá nên anh em bạn tàu phải linh hoạt thay đổi cách đánh liên tục. Tàu ông hành nghề lưới vây, nhưng trên tàu luôn có những dụng cụ câu mực, cá ngừ…
Nhờ linh hoạt trong cách đánh bắt nên trong 3 chuyến biển trên con tàu mới, ông Sáu đã thu được gần 500 triệu đồng. Số tiền tuy ít hơn mọi năm nhưng đó cũng là sự khởi đầu thuận lợi. Ông Sáu bộc bạch: Ra khơi trong thời điểm này, nếu không linh hoạt, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiên liệu thì dễ nản lòng. Còn ông Võ Lai, ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) nhẩm tính: Ngày trước một chuyến biển mua khoảng 1.000 cây đá lạnh, 4.000 lít dầu và lương thực tốn khoảng 80 triệu đồng thì nay phải mất hơn 100 triệu đồng, chi phí nguyên liệu tăng đã ảnh hưởng đến việc ra khơi đánh bắt của ngư dân.
Khó khăn là vậy nhưng ngư dân trong tỉnh vẫn kiên cường bám biển. Ông Trần Thi, ngư dân cùng xã với ông Lai cho rằng, ông bà ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường” nên từ lâu ngư dân đã áp dụng kinh nghiệm này để đi biển. Tàu ông Thi nằm trong tổ đội số 9 thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), mỗi lần ra khơi luôn có 6 - 7 tàu đồng hành. Với ông ra khơi như vậy, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng nhau đánh bắt trên biển.
Nhờ chung sức, cùng hỗ trợ khi gặp nạn, cùng chia sẻ nhau từng mẻ cá trong từng phiên biển và cùng sự động viên khích lệ, sát cánh từ phía Nhà nước, thời gian qua ngư dân Quảng Ngãi dù gặp nhiều khó khăn, cản trở nhưng vẫn vững tâm ra khơi. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngư dân trong tỉnh khai thác trên biển đạt hơn 74 nghìn tấn. Nhiều ngư dân khai thác đạt trên 40 tấn/tàu, đem lại nguồn thu đáng kể cho chủ và bạn tàu.
Bài, ảnh: MAI HẠ