Đoàn kết cùng vươn khơi

03:12, 19/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề đánh bắt hải sản trên biển luôn đối diện với rủi ro về thiên tai hay tai nạn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản đối với ngư dân. Tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường hoạt động đơn lẻ, phân tán nên khi xảy ra các sự cố, việc phối hợp hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ thường gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, ngư dân xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) đã thành lập các Tổ đoàn kết (TĐK) để hỗ trợ nhau trong quá trình hành nghề trên biển và phòng, tránh những sự cố bất ngờ xảy ra.

TIN LIÊN QUAN

Sát cánh bám biển

Ở làng chài thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú những con tàu nằm chen chúc chờ khi biển êm sẽ giong buồm ra khơi đánh bắt. Ngư dân Đỗ Giàu chia sẻ: “Nghề biển gian nan lắm! Nhưng ai đã trải qua nhiều thử thách giữa trùng khơi thì khó mà bỏ được biển. Tôi bắt đầu đi biển từ năm 20 tuổi, đến nay cũng đã trên 30 năm bám biển rồi và cũng có lúc suýt mất mạng giữa biển. Nhưng giờ đây nếu không được đi biển thì chắc tôi bệnh mất!”.

Tàu thuyền của một trong những tổ đoàn kết ở xã Nghĩa Phú
Tàu thuyền của một trong những tổ đoàn kết ở xã Nghĩa Phú


Tính đến thời điểm này, xã Nghĩa Phú có 5 TĐK sản xuất trên biển với 31 tàu và 250 lao động chuyên về nghề câu. Ông Nguyễn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho biết: "Cả 5 TĐK này  ở cùng một thôn nên sự đoàn kết nội bộ rất tốt. Vì vậy khi đi đánh bắt trên biển hay lúc vào đất liền, mỗi khi thành viên trong tổ gặp khó khăn, hoạn nạn họ đều tương trợ, giúp đỡ nhau".    

Nhiều ngư dân cho biết, tham gia vào các TĐK, ngư dân thêm tự tin khi ra khơi, bám biển. Từ đó họ mạnh dạn đầu tư vốn để đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản. Ngoài ra, nhiều TĐK khai thác hải sản đã tăng cường công tác phối hợp trong đánh bắt và dịch vụ hậu cần. Các tàu thường đi theo nhóm nên khi gặp ngư trường có sản lượng thấp, các chủ tàu có thể dồn sản phẩm cho một tàu vận chuyển về tiêu thụ. Do đó, chất lượng sản phẩm đảm bảo tươi, ngon và bán được giá, hiệu quả từng chuyến đi biển tăng lên.

Ngoài số lượng tàu tham gia vào TĐK sản xuất, Nghĩa Phú  còn có trên 150 chiếc tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Trong đó có trên 100 tàu có công suất từ 90CV – 140CV tham gia đánh bắt ở các ngư trường như Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh…

Thêm sức mạnh

Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã ven biển có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ thành lập các “Tổ ngư dân đoàn kết”, các tổ này giúp ngư dân liên kết với nhau về nguồn vốn, thông tin báo bão, cứu hộ cứu nạn, tạo sức mạnh vươn khơi bám biển. Theo ngư dân Đặng Thanh Hùng, người đã có trên 30 năm đi biển ở Nghĩa Phú, khi Nhà nước chưa có chủ trương thành lập “Tổ ngư dân đoàn kết”, ngư dân ở đây cũng thường xuyên kêu gọi từng nhóm tàu gắn kết với nhau để ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, việc tổ chức chưa chặt chẽ, nên lợi ích mang lại chưa cao. Từ khi các TĐK thành lập, ngư dân đã hỗ trợ nhau nhiều hơn. Lợi ích cá nhân của mỗi tàu đã gắn liền với lợi ích chung của cả tổ.

Không chỉ giúp đỡ nhau trên biển mà khi về đất liền, TĐK còn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mỗi tổ đều xây dựng quỹ để khi gặp sự cố hay có người ốm đau xuất quỹ đến thăm hỏi, động viên kịp thời. Còn khi những người đàn ông lênh đênh trên biển, thì những người phụ nữ, vợ con của họ ở nhà cũng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau.

Ông Nguyễn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho biết thêm: "Sắp tới, Nghĩa Phú sẽ thành lập thêm 10 TĐK sản xuất trên biển với khoảng 20 – 40 chiếc tàu. Hầu hết các chủ tàu đều hăng hái đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã quyết định chọn ngày mùng 6 Tết để tổ chức buổi gặp mặt các ngư dân để thăm hỏi, động viên ngư dân. Đồng thời kết hợp với Đồn Biên phòng Sa Kỳ để tuyên truyền pháp luật về biển đảo cho ngư dân. Đây cũng là dịp để các ngư dân gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tạo mối đoàn kết khi hành nghề trên biển".

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.