(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh về cơ sở hạ tầng, nên Trà Bồng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt. Trên chặng đường mới, Trà Bồng quyết tâm phát huy nội lực, tận dụng những lợi thế, phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
So với các huyện miền núi trong tỉnh, Trà Bồng có nhiều lợi thế về điều kiện thiên nhiên và các giá trị văn hoá đặc sắc của địa phương. Những năm qua, Trà Bồng đã tập trung nguồn lực, từng bước biến những thế mạnh thành lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là phát triển du lịch, mang lại giá trị kinh tế, đồng thời quảng bá vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Lễ hội Điện Trường Bà hằng năm thu hút hàng ngàn người đến tham dự lễ hội. |
Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Châu Á ghi nhận quế Trà Bồng là một trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam xác lập kỷ lục Châu Á mới. Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân huyện Trà Bồng. Trên cơ sở đó, huyện đã mạnh dạn vận động người dân, tiếp tục phát triển loại cây truyền thống này. Hiện nay, diện tích cây quế trên địa bàn huyện gần 4.000 ha, là một trong những loại cây chủ lực của địa phương. Cây quế hôm nay đang là nguồn kinh tế đáng kể của người dân.
Ngoài cây quế, hằng năm, Lễ hội điện Trường Bà thu hút hàng ngàn người đến tham dự, trong đó có rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến dự lễ. Với lễ hội đặc sắc này cùng với các địa danh Cà Đam, Cà Đú, suối nước khoáng Thạch Bích… nên nhiều người biết đến vùng đất quế nhiều hơn. Tháng 5.2015, điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân) được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Lễ hội điện Trường Bà hằng năm của người dân địa phương là nơi quy tụ và là “sợi dây” của tình đoàn kết các dân tộc anh em trên vùng đất này. Lễ hội này đang được làm hồ sơ để được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.
Đồng chí Hồ Ngọc Thịnh - Bí thư Huyện uỷ Trà Bồng cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, với những thế mạnh của địa phương, huyện đã xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ đột phá. Huyện uỷ ra hẳn một Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển du lịch Trà Bồng giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, tiếp tục đầu tư nhằm khai thác lợi thế về du lịch tâm linh, sinh thái, lịch sử và văn hóa. Tập trung kêu gọi đầu tư để hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cà Đam (xã Trà Bùi); các điểm du lịch sinh thái: Thạch Bích (xã Trà Bình); Cà Đú, Hà Nang (xã Trà Thuỷ); Trà Bói (xã Trà Giang); các di tích lịch sử, văn hóa: Điện Trường Bà, hang Đá Bà, lăng Bạch Hổ, Lễ hội điện Trường Bà Thiên Y A Na; một số lễ hội của đồng bào Cor, Trường Luỹ, các di tích lịch sử cách mạng như Trạm xá T30, di tích Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái Cà Đam...
Cùng với việc quy hoạch và đầu tư các địa điểm du lịch, địa phương còn chủ động liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành các tuyến du lịch trong hành trình di sản Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tăng cường giao lưu hiểu biết về văn hoá, xã hội giữa các dân tộc trong tỉnh, trong nước, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.
Những năm qua, Trà Bồng đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Nhờ đó bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc. Thị trấn Trà Xuân ngày càng sầm uất với nhiều dịch vụ phục vụ đời sống và hạ tầng du lịch. Hệ thống giao thông đã được đầu tư, giúp cho việc đi lại giữa các vùng lân cận thuận tiện hơn trước nhiều. Đặc biệt là giao thông đến các địa điểm được quy hoạch phát triển du lịch đã được đầu tư bước đầu. Với việc xác định ngành du lịch là đột phá, trong những năm đến cùng với phát triển các ngành kinh tế truyền thống, hướng đến sản xuất hàng hoá, Trà Bồng đang đứng trước cơ hội mới là thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Bài, ảnh: X.THIÊN