Mở hướng phát triển cho quế Trà Bồng

10:06, 01/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà máy chế biến tinh dầu quế xây dựng tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) đi vào hoạt động mỗi năm sử dụng 10.000 tấn cành lá quế, tạo sự an tâm cho người trồng quế về thị trường đầu ra. Đây là “mắt xích” rất quan trọng tạo ra chuỗi khép kín trong quy trình trồng và tiêu thụ quế để cho thương hiệu quế Trà Bồng càng có điều kiện vươn xa.

TIN LIÊN QUAN

Cơ hội mới cho người trồng quế

Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần tinh dầu quế Quảng Ngãi đã thu mua vỏ quế của đồng bào, chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng nhìn chung, vỏ quế tươi của người nông dân miền núi Quảng Ngãi thường phải bán với giá thấp, vì đây chỉ là sản phẩm thô, còn cành, lá quế lâu nay không biết sử dụng vào đâu nên bị bỏ lãng phí.  

Công nhân Nhà máy tinh dầu quế Trà Bồng chiết xuất tinh dầu quế.
Công nhân Nhà máy tinh dầu quế Trà Bồng chiết xuất tinh dầu quế.


Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trong vòng đời của một cây quế có thể cho khoảng 250kg cành, lá quế qua 5 lần tỉa và thu hoạch lần cuối. Bình quân mỗi năm 1 cây quế cho 35kg cành, lá, nếu tính với mật độ trung bình 3.000 cây quế/ha thì số lượng cành lá quế bỏ phí là rất đáng kể.

Để tận dụng nguồn cành lá vốn được xem là phế thải, Công ty Cổ phần tinh dầu quế Quảng Ngãi đã đầu tư 69 tỷ đồng xây dựng Nhà máy tinh dầu quế Trà Bồng để thu mua cành lá quế của đồng bào tách chiết tinh dầu. Bã thải từ cành, lá quế sau khi tách chiết gần như triệt để tinh dầu (95%) sẽ biến thành 2 phụ phẩm, đó là phân bón hữu cơ vi sinh và bột hương. Đây là cách chế biến sâu, tận dụng được nguồn thải lâm nghiệp ở các huyện miền núi Quảng Ngãi để tạo ra một loại sản phẩm có giá trị thương mại.

Hiện nay, tinh dầu quế đang có thị trường lớn và ổn định. Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ... là những quốc gia nhập khẩu tinh dầu quế chất lượng cao phục vụ công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm của họ. Còn Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam đang là nước nhập tinh dầu quế dạng thô lớn nhất thế giới (khoảng 1.500 tấn/năm). Vì thế nếu khai thác tốt thị trường, thì đầu ra của các sản phẩm quế là điều không đáng ngại.
 

Vùng quế lớn thứ 2 cả nước
Quảng Ngãi là địa phương có vùng trồng quế lớn thứ 2 ở Việt Nam. Trong đó, vùng quế được trồng tập trung với quy mô lớn nhất tỉnh là 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà. Trong đó, huyện Trà Bồng có khoảng 2.600 ha và Tây Trà 2.500 ha. Nhờ vào điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng thích hợp nên cây quế Trà Bồng được xem là sản phẩm chất lượng cao; vỏ quế dày, hương vị thơm ngon.

Ông Nguyễn Xuân Bắc-Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Việc Nhà máy Tinh dầu quế trên địa bàn huyện đi vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt là tận thu cành lá quế để chế biến thành tinh dầu sẽ góp phần đáng kể vào việc tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động miền núi. Đây thật sự là một cơ hội mới rất có lợi cho người trồng quế để bảo tồn và phát triển thương hiệu Quế Trà Bồng ngày càng vươn xa.”

Mở rộng vùng nguyên liệu quế

Đúng vào thời điểm Nhà máy Tinh dầu quế đi vào hoạt động, huyện Trà Bồng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về cây quế với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.  Qua Hội thảo này, Trà Bồng đã xác định quế là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng ở địa phương.

Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp và vốn đóng góp của nhân dân, bình quân mỗi năm huyện thực hiện trồng khoảng 260ha quế, phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng quế của huyện lên 2.800ha. Trong đó, năm 2015 các xã trong huyện thực hiện mô hình vùng chuyên canh cây quế địa phương với diện tích khoảng 30 ha tại xã Trà Lâm, Trà Hiệp và Trà Thủy. Giai đoạn 2016-2020, huyện sẽ tiếp tục phát triển diện tích trồng quế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng bền vững trên đơn vị diện tích. Quy hoạch và hình thành từ 7-10 vùng chuyên canh trồng cây quế bản địa để bảo tồn nguồn gen quế Trà Bồng, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề về cây quế, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đã đánh giá rất cao về định hướng bảo tồn và phát triển thương hiệu quế Trà Bồng trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, huyện nên có chính sách nhạy bén, tạo thuận lợi trong việc xuất khẩu mặt hàng quế, để cho người trồng quế và đơn vị kinh doanh mặt hàng quế cùng có lợi, để qua đó đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.


Bài, ảnh: Nguyễn Khâm




 


.