(Báo Quảng Ngãi)- Dù sản phẩm đã được công nhận VietGAP nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm. Lý do là sự sạch - bẩn của rau chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm của người sản xuất và bán hàng, chứ chưa được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát…
TIN LIÊN QUAN |
---|
VietGAP nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm (gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch); môi trường làm việc (nhằm ngăn chặn lạm dụng sức lao động của nông dân) và truy tìm nguồn gốc sản phẩm (để xác định những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ). Do đó, sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn về dịch bệnh, môi trường và xã hội, vì được ngành chuyên môn kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, thu hoạch đến đóng gói, vận chuyển tiêu thụ thông qua mã vạch, bao bì.
Vùng sản xuất: Nơi thừa, chỗ thiếu
“Thuộc vùng sản xuất rau an toàn nhưng ngoài tấm biển đề ngày xuống giống, ngày thu hoạch thì cũng chưa có gì khác. Chúng tôi vẫn phải tự trồng tự bán như lâu nay thôi”, vừa hái rau xà lách, vợ ông Lê Công Tránh ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) vừa góp chuyện. “Nghĩa là việc sản xuất rau không được Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ rau sạch Sông Trà (HTX) kiểm tra”, tôi hỏi. “HTX cũng tổ chức tập huấn trồng rau an toàn nhưng họ không thu mua sản phẩm thì kiểm tra làm gì”, hộ này bộc bạch.
Vùng sản xuất: Nơi thừa, chỗ thiếu
“Thuộc vùng sản xuất rau an toàn nhưng ngoài tấm biển đề ngày xuống giống, ngày thu hoạch thì cũng chưa có gì khác. Chúng tôi vẫn phải tự trồng tự bán như lâu nay thôi”, vừa hái rau xà lách, vợ ông Lê Công Tránh ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) vừa góp chuyện. “Nghĩa là việc sản xuất rau không được Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ rau sạch Sông Trà (HTX) kiểm tra”, tôi hỏi. “HTX cũng tổ chức tập huấn trồng rau an toàn nhưng họ không thu mua sản phẩm thì kiểm tra làm gì”, hộ này bộc bạch.
Người tiêu dùng mua rau tại cửa hàng rau an toàn của Công ty Qnasafe. |
Không riêng hộ ông Lê Công Tránh mà qua tìm hiểu, rất nhiều nông dân có diện tích nằm trong vùng sản xuất rau an toàn của HTX rơi vào tình cảnh trên. Đây cũng là lý do khiến họ “xé” quy trình, không mặn mà với việc sản xuất rau an toàn. Bởi nói như vợ ông Tránh thì: “Sản xuất rau an toàn tốn kém, nhọc công mà phải bán chợ thì lấy gì chúng tôi sống”.
Xảy ra tình trạng trên, theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Anh Thư: “HTX chưa tìm được đầu ra nên dù diện tích được chứng nhận sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là hơn 10ha, nhưng thực tế, chúng tôi chỉ kiểm soát được 2ha. Số còn lại vẫn phải để nông dân tự bán”. Điều này theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh (Chi cục) Nguyễn Đức Bình là “không đúng theo tinh thần, mục tiêu của VietGAP. Vì sau khi được công nhận VietGAP, HTX phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát quy trình sản xuất trên toàn bộ diện tích ấy, chứ không có kiểu chia nhỏ như thế”.
Trong khi HTX rộng diện tích nhưng hẹp đầu ra, thì Công ty Qnasafe – đơn vị đầu tiên hợp tác với nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh lại lao đao vì thiếu đất sản xuất. Lý do, ngoài những mặt hàng được công nhận VietGAP là rau ăn lá và ăn củ, quả thì hiện giờ, Công ty Qnasafe đang nghiên cứu sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả cao cấp. Và thị trường phục vụ vì thế sẽ không dừng lại ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mà hướng đến cả nước cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, “hiện chúng tôi phải thuê đất rải rác của nông dân các xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), Đức Hiệp (Mộ Đức) với diện tích hơn 2ha để sản xuất nên rất bất tiện. Chúng tôi rất mong muốn được ngành chức năng tạo điều kiện về đất đai để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất”, ông Trần Ngọc Âu- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Qnasafe chia sẻ.
“Kiểm soát rau sạch ngay từ khâu sản xuất”
Đó là đề xuất của Phó Chi cục trưởng Nguyễn Đức Bình. Bởi theo ông Bình thì hiện giờ, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm và sẵn sàng mua các mặt hàng rau sạch, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với giá cao. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” – tức rau chợ vẫn có mặt trong cửa hàng rau sạch thì bản thân doanh nghiệp phải nghiêm khắc với người sản xuất.
Đơn cử như cách làm của Công ty Qnasafe. Đó là, cùng với việc cam kết bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cao thì trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, Công ty này đều kiểm tra dư lượng nitrate và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sunfua, phốt phát, cianua bằng ELISA text. Nếu phát hiện nông dân nào không tuân thủ quy trình sản xuất, khiến sản phẩm tồn dư hóa chất vượt mức cho phép, công ty sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng/vụ đến chấm dứt hợp đồng. “Cách ràng buộc này giúp người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm của mình, từ đó góp phần nâng cao ý thức cũng như thói quen sản xuất rau chuyên nghiệp cho nông dân”, ông Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.
Có điều không phải đơn vị nào cũng đủ năng lực để áp dụng các biện pháp trên. Bởi theo bà Nguyễn Thị Anh Thư - Giám đốc HTX thì: “Việc text kiểm tra các mẫu đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn sâu, máy móc hiện đại. Còn nếu gửi mẫu đến các Trung tâm kiểm nghiệm thì chi phí quá cao (hơn 1 triệu đồng/mẫu) nên dù rất muốn, HTX cũng không đủ nguồn lực thực hiện”. Vì thế nên HTX chỉ kiểm tra các chỉ tiêu qua mẫu nước và đất trước khi sản xuất, còn sản phẩm được sơ chế bằng cách sục Ozôn.
Rõ ràng, dù đã chạm được VietGAP nhưng chỗ đứng của rau an toàn vẫn còn lắm gập ghềnh. Khắc phục tình trạng này, cần sự nỗ lực của nhiều phía, mà trước hết là từ chính các đơn vị sản xuất và nông dân.
Bài, ảnh: MỸ HOA