Tiên phong đổi mới, cùng nhau làm giàu

09:07, 01/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ là những nông dân chân chất, nhưng có những ý tưởng làm giàu thật táo bạo. Khi có điều kiện, thời cơ đến, họ sẵn sàng, đổ công sức tiên phong thực hiện ý tưởng của mình. Nhờ đó, họ trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) tiêu biểu của huyện Tư Nghĩa.    

TIN LIÊN QUAN

Dựa vào địa thế để đầu tư

Không như nhiều người dân ở xã Nghĩa Lâm chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp, ông Đặng Ngọc Thẫn, ở thôn 1, nhận thấy ở miền quê mình có một lợi thế khác có thể làm giàu. Đó là đầu tư vào nuôi chim yến, một sản vật được xem là “vàng trắng”.

 

Cuộc sống phát triển, người dân huyện Tư Nghĩa đã góp phần xây dựng các đường quê khang trang, nhà cửa kiên cố.
Cuộc sống phát triển, người dân huyện Tư Nghĩa đã góp phần xây dựng các đường quê khang trang, nhà cửa kiên cố.


Kể từ ngày đập dâng Thạch Nham đưa vào sử dụng tạo nên dòng thác và nguồn nước trong lành đã thu hút vô số chim yến về sinh sống. Thấy nhiều người ở đồng bằng nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, ông Thẫn đã gác lại chuyện đồng áng đi tìm hiểu kỹ về loại chim này. Năm 2014, ông Thẫn đã mạnh dạn gom góp số tiền hơn một tỷ đồng sau bao nhiêu năm tích góp từ làm mía, mì, trồng keo, chăn nuôi để đầu tư nuôi chim yến.

Hơn một tháng sau, nhà nuôi chim yến của ông trở thành nơi yên bình cho đàn chim yến kéo về trú ngụ. Đến nay, đàn chim đã nhả bọt, tạo thành 30 - 40 tổ chim trắng muốt bên các góc nhà. Ông Thẫn tự tin, sau khi các chim non rời tổ thì mình có thể thu hoạch. Theo giá thị trường, bấy nhiêu cũng được 3 - 4 kg, trừ hao hớt cũng thu được từ 70 – 80 triệu  đồng. Mỗi năm thu hoạch được hai lứa như thế.

Ông Thẫn lý giải quyết định táo bạo của mình khi đầu tư bạc tỷ dẫn dụ chim yến về làm tổ là vì nuôi chim yến không tốn công nhiều, đầu tư một lần mà thu suốt về sau. Ngoài nuôi chim yến, ông Thẫn còn quyết trồng tiêu. Theo cách nhìn của ông, đất Nghĩa Lâm rất thích hợp với sự phát triển của dây tiêu, bởi đất nơi đây thuộc chân cao nên mùa mưa dễ thoát nước, mùa nắng thì do ở đầu kênh mương Thạch Nham nên nguồn nước cũng khá dồi dào. Đến nay, ông đã trồng được 500 gốc tiêu. Ông Thẫn dự kiến sẽ đầu tư thêm một nhà nuôi chim yến và phấn đấu trồng đạt 2.000 gốc tiêu.

Khác với ông Thẫn, ông Nguyễn Hồng Sơn, ở thôn Mỹ Thạnh, xã Nghĩa Thuận  lại dựa vào địa thế để chọn cho mình một hướng đi khác. Trong khi bà con say sưa với việc đồng áng, chăn nuôi nhỏ lẻ, ông Sơn lại quyết định lập vườn ươm cây keo giống để cung cấp cho người dân trong vùng và các vùng lân cận. Lứa đầu tiên, ông ươm cây để trồng trên 10ha đất đồi bỏ hoang ở địa phương. Thế rồi, thấy nhiều người hỏi mua, ông quyết định mở rộng quy mô vườn ươm. Hằng năm, vườn ươm của ông sản xuất trên 1 triệu cây giống, cung cấp cho các xã trong huyện và các huyện Sơn Tịnh, Đức Phổ. Nguồn thu theo đó cũng tăng qua từng năm. Nếu như năm 2010, ông Sơn thu nhập được 100 triệu đồng thì năm 2014 thu khoảng 180 triệu đồng. Dự kiến cuối năm 2015, ông thu trên 250 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

Thúc đẩy làm giàu

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thuận vui mừng cho hay: Ngoài trồng rừng, người dân trong xã đã biết áp dụng kỹ thuật chăm sóc lúa cho năng suất cao, trồng nấm rơm, nuôi bò vỗ béo, bò lai sind... Nhiều hộ đã thành lập trang trại chăn nuôi heo. Nhờ đó, toàn xã có khoảng 650 hộ hội viên thì đã có 450 hộ nông dân SXKDG, chiếm gần 70%.                     
      
Ngoài xã Nghĩa Thuận, nông dân các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Thương, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Trung... đã thực hiện các mô hình triển khai trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng rừng thâm canh cây keo lai cấy mô, sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi, nuôi lươn không bùn và các mô hình chăn nuôi tổng hợp khác... đã đem lại nguồn thu khá. Những mô hình này đã tác động đến cách làm ăn của những hộ khác, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới đáng kể.

Ông Đỗ Ngọc Hải – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tư Nghĩa nhận xét, phong trào nông dân SXKDG đã góp phần rất lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian đến, Hội tiếp tục chú trọng tập huấn chuyển giao kỹ thuật để nuôi trồng cây, con giống mới, phối hợp với các ngành chức năng triển khai các mô hình mới có hiệu quả kinh tế phù hợp với địa phương, có hướng đầu ra, đồng thời nhân rộng các mô hình của các hộ SXKDG, phối hợp với các ngân hàng triển khai nguồn vốn ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân vay để thực hiện, cùng nhau làm giàu.

Bài, ảnh: MAI HẠ
       
  
 


.