(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Nghĩa Hành đã triển khai nhiều chương trình nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng lai bò nhập ngoại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nuôi bò lai, lãi tiền triệu
Ông Bùi Phu ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) trước đây từng nuôi giống bò cỏ địa phương nhưng giống bò này nhỏ, trọng lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu về giống bò lai sind, gia đình ông đã tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 3 con bò cái nền địa phương. Sau 2 năm, ông Phu đã có 3 con bê lai và chỉ sau 10 tháng đã có bê xuất bán với giá từ 13 - 15 triệu đồng/con. Ông Bùi Phu phấn khởi cho biết: "Trước đây gia đình tôi nuôi bò cỏ hiệu quả không cao lắm, trung bình mỗi con bê chỉ bán được từ 4-5 triệu đồng. Khi phối giống bò lai sind ngoại hình đẹp, trọng lượng lớn, giá trị thu nhập cao hơn hẳn. Nhờ nuôi bò lai sinh sản mà tôi có tiền nuôi 4 đứa con ăn học".
Mỗi năm gia đình bà Trần Thị Ngọc Loan (xã Hành Dũng) có được nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi bò lai. |
Cũng như gia đình ông Phu, gia đình bà Lê Thị Yến ở thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông cũng nuôi bò lai nhiều năm nay. Tuy nhiên bà Yến lại nuôi bò vỗ béo. “Giống bò gia đình tôi đang nuôi tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt lại tốt nên bán rất được giá”, bà Yến cho hay. Mới đây, bà Yến bán 2 con bò lai vỗ béo, thu về số tiền trên 75 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, nhờ chăn nuôi bò lai mà giờ đây gia đình bà Yến đã ổn định cuộc sống.
Không riêng gia đình ông Phu, bà Yến, ở Nghĩa Hành hiện có nhiều hộ phát triển chăn nuôi trâu bò, đặc biệt là bò lai sinh sản, bò vỗ béo... với nhiều giống nhập ngoại chất lượng cao. Ông Đào Trọng Nga – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành cho biết, hiện nay tổng đàn bò trong huyện có trên 24.000 con, trong đó có trên 80% là giống bò lai nhập ngoại. Một con bò trưởng thành thường có giá từ 35-40 triệu đồng. Nhờ phát triển chăn nuôi bò lai, nhiều hộ gia đình đã ổn định cuộc sống.
Cải thiện chất lượng đàn bò
Trên thực tế, nuôi bò lai giống nhập ngoại mang lại lợi ích kinh tế cao. Do đó huyện Nghĩa Hành đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn bò lai trên nền bò cái có sẵn của địa phương. Nhiều giải pháp, chương trình, dự án đã được triển khai nhằm cải thiện chất lượng đàn bò, mở ra hướng đi giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Thực hiện chủ trương cải tạo đàn bò địa phương, thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành đã đưa nhiều giống bò mới có chất lượng cao vào lai tạo. Trong đó chủ yếu là các giống bò lai sind, Zecmanh, siêu thịt… Đặc biệt, trong năm 2014 trạm đã thí điểm phối tinh giống bò BBB (Blanc blue Belgium)- một giống bò chuyên nuôi lấy thịt của Bỉ cho 350 con bò trong huyện. Hiện nay, số bê con giống BBB F1 đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là giống bò lai hướng thịt có chất lượng cao, tăng trọng nhanh, thịt ngon và giá thành cao hơn các loại bò lai khác.
Một dự án cải tạo đàn bò nữa đang được thực hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, đó là dự án “Hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới” do Sở KH&CN hỗ trợ. Dự án này triển khai từ tháng 12.2013 đến tháng 12.2016 tại xã Hành Dũng. Sau hơn 1 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định.
Gia đình bà Trần Thị Ngọc Loan ở thôn An Hòa được dự án hỗ trợ xây dựng chuồng trại kiên cố, đồng thời 4 con bò của bà được phối giống siêu thịt miễn phí từ nguồn tinh của dự án. Bà Loan phấn khởi cho biết: “Trước đây việc phối giống ít thành công, nhưng khi tham gia dự án, các lần phối giống đều đạt. Bê con từ giống của dự án cũng to, đẹp hơn, tăng trọng nhanh hơn. Cuối năm nay là tôi có thể thu về gần trăm triệu đồng”. Hiện nay, đàn bò của bà Loan có 6 con với 4 con cái (2 con đang mang thai) và 2 bê con mới sinh. Hiện ở xã Hành Dũng đàn bò lai tăng lên hơn 3.000 con (chiếm 82,5%), phấn đấu đến năm 2016 tỷ lệ bò lai trên địa bàn xã đạt 100%.
Có thể nói, những chương trình, dự án phát triển đàn bò lai chất lượng cao trong thời gian qua ở huyện Nghĩa Hành đã làm thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, chăn nuôi của người dân, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đây cũng là hướng đi đúng trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Bài, ảnh: Vũ Yến