Bò lai sind xóa nghèo

04:12, 17/12/2012
.

(QNg)- Để nuôi bò lai sind đạt hiệu quả đòi hỏi người nuôi phải biết  chăm sóc đúng kỹ thuật và đảm bảo lượng thức ăn cho bò. Những năm gần đây, huyện Ba Tơ đã làm tốt công tác phối giống, chăm sóc và bảo vệ đàn bò  nên đến nay đàn bò lai đạt tỷ lệ khá cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào dân tộc thiểu số.  

TIN LIÊN QUAN


Trước đây, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Ba Tơ chủ yếu nuôi trâu làm sức kéo. Thấy các huyện đồng bằng nuôi bò lai phát triển kinh tế, nhiều cán bộ thú y tình nguyện đi học lớp phối giống để về lai tạo giống bò lai sind cho bà con. Bây giờ, con bò trở thành vật nuôi quan trọng góp phần xóa nghèo cho người dân ở huyện miền núi Ba Tơ.

Những người tiên phong sind hóa đàn bò

Hình ảnh thú y viên Hồ Thanh Hương, xã Ba Động lúc nào cũng "tay xách, nách mang" những dụng cụ thú y cỡi chiếc xe máy cũ kỹ chạy quanh xóm để tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, hay thụ tinh nhân tạo bò lai đã trở nên quen thuộc với bà con. "Làm công tác này nếu không yêu nghề thì dễ bỏ giữa chừng lắm! Bởi, vất vả mà thu nhập không bao nhiêu" - Ông Hương chia sẻ.

 

Ông Hồ Thanh Hương người đi tiên phong trong việc nhân giống bò lai ở Ba Tơ.
Ông Hồ Thanh Hương người đi tiên phong trong việc nhân giống bò lai ở Ba Tơ.


Năm 1996, Trung tâm khuyến nông tỉnh có mở lớp học thụ tinh nhân tạo bò lai, ông Hương đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp học. Đi học cùng ông còn có hai người trong huyện. Thế nhưng, sau khi học xong chỉ có mỗi mình ông theo nghiệp nhân giống bò lai và tham gia thực hiện đến cùng dự án "Cải tạo đàn bò lai sind trên địa bàn huyện Ba Tơ". Dự án ngoài hỗ trợ bò đực giống còn hỗ trợ hàng ngàn liều giống thụ tinh nhân tạo bò lai. Bò đực giống chỉ phối giống ở vùng thấp. Còn trên non cao, điều kiện chăn dắt bò đực giống khó khăn nên rất cần những bàn tay thú y viên như ông Hương.


 Ông Hương kể: Những ngày đó, nhận không biết bao cuộc điện thoại, lời nhắn của nông dân tận  vùng sâu vùng xa của các xã Ba Nam, Ba Lế, Ba Ngạc... với nội dung: "Nhờ cán bộ đến thụ tinh nhân tạo giống bò lai dùm để chăn nuôi bò có hiệu quả, có thêm tiền nuôi con".  

Từ đó, sáng sớm nào ông Hương cũng khăn gói lên đường, có nơi đến được xe máy, có nơi phải đi bộ, băng rừng, lội suối mới đến nơi. Không chỉ có ông Hương mà nhiều thú y viên khác ở huyện Ba Tơ đã tích cực tham gia lai tạo đàn bò, góp phần thực hiện tốt dự án cải tạo đàn bò trên huyện miền núi Ba Tơ.

Thêm thu nhập cho nông dân nghèo  

Từ những chú bê lai ra đời, khỏe mạnh, rồi qua chăm sóc chu đáo của bà con, bê lai trở thành bò thịt đem bán, ông Hương lại nhận những cuộc điện thoại chia sẻ niềm vui vì thu nhập từ chăn nuôi bò lai cao gấp đôi so với nuôi bò cỏ. "Những nông dân hiện có cuộc sống khá hơn nhờ bò lai phải kể đến ông Sự thôn Bắc Lân, ông Tuấn thôn Tân Long Trung, ông Hương thôn Hóc Kè (Ba Động)... và hàng trăm hộ ngoài xã. Nhiều hộ trước đây  nuôi trâu giờ thấy nuôi bò lai sind hiệu quả đã chuyển sang nuôi bò lai mang lại hiệu quả kinh tế cao" - ông Hương khẳng định.

Nuôi bò lai sind đòi hỏi người nuôi phải biết áp dụng kỹ thuật chăm sóc bò. Ngoài chăn thả ngoài đồng, bà con còn phải biết trồng cỏ, dự trữ rơm rạ làm thức ăn khô trong mùa đông, tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp để vỗ béo đàn bò. Những kỹ thuật nuôi bò này bà con huyện Ba Tơ đã áp dụng thông thạo. Anh Hoanh (Ba Động) nhờ biết áp dụng kỹ thuật nuôi bò lai mà cặp bò cái giống của anh cứ một năm cho hai con bê lai ra đời. Anh chăm sóc khoảng 7-8 tháng tuổi thì bán được khoảng 15 - 16 triệu đồng. Nhờ nuôi bò lai có hiệu quả mà các con anh đã thực hiện được giấc mơ bước vào giảng đường đại học, cao đẳng.

Ông Nguyễn Thanh Hiệp - Trưởng Trạm khuyến nông huyện Ba Tơ, cho biết: Dự án Cải tạo đàn bò lai sind trên địa bàn huyện Ba Tơ đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay bà con đã ý thức được việc nuôi bò lai để phát triển kinh tế, thay làm sức kéo. Có nhiều nhà nông, cứ đến vụ là bà con bán nghé, bò để chi tiêu cho việc xuống giống và cho con đến trường. Phong trào nuôi bò lai đã "phủ"  rộng khắp các vùng trong huyện Ba Tơ.

Dự án cải tạo đàn bò lai sind trên địa bàn Ba Tơ đã kết thúc vào năm 2010. Qua dự án này các hộ nông dân nhận thức rõ hơn về hiệu quả của việc nuôi bò lai sind và đang tiếp tục nuôi bò theo hướng này. Tuy vậy, bà con đang gặp khó khăn bởi chi phí thụ tinh nhân tạo để lai giống cho bò ở các hộ chăn nuôi tư nhân rất cao. Huyện  Ba Tơ và ngành chức năng cần có giải pháp để giúp bà con đồng bào dân tộc ở các xã nghèo thông qua hợp phần phát triển sản xuất của Chương trình 30a để đồng bào tiếp tục cải tạo đàn bò, chăn nuôi bò lai hiệu quả, góp phần xóa nghèo bền vững trên vùng cao này.

 

Bài, ảnh: M.Hạ
 


.