(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhưng để cán đích NTM, chính quyền và người dân các địa phương đang phải tìm cách xã hội hóa nguồn kinh phí đầu tư thực hiện một số tiêu chí… Trong quá trình thực hiện nơi thì vướng mắc – khó khăn, nơi thì thông thoáng – thuận lợi…
Khó khăn đường về đích
Toàn tỉnh hiện có hai xã là Bình Dương (Bình Sơn) và Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch đến cuối năm 2015, Quảng Ngãi phấn đấu có 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng với khối lượng 10.224/20.253 tấn để hoàn thành 50km đường giao thông.
Tuy đạt được 15/19 tiêu chí nhưng hiện giờ, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận (Mộ Đức) Nguyễn Vũ Trung cho rằng “rất khó để xã cán đích NTM đúng kế hoạch vào cuối năm 2015”. Lý do, hai tiêu chí chưa đạt gồm giao thông, thủy lợi là những hạng mục cần nguồn vốn rất lớn, dù việc xây dựng được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, hiện giờ, toàn xã chỉ bê tông hóa được 12/18 km đường xã, nghĩa là trong phạm vi kinh phí Nhà nước hỗ trợ. Số còn lại gồm hơn 6km đường xã, 7 tuyến đường thôn thì vẫn phải đợi vì phần đóng góp từ ngân sách xã và nhân dân…chưa đủ.
Trong khi giao thông, thủy lợi còn dang dở thì tiêu chí chợ nông thôn cũng khiến địa phương này đau đầu. Bởi dù đã được quy hoạch xây dựng với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, nhưng hiện giờ nguồn kinh phí này không được ngân sách hỗ trợ. Nghĩa là, địa phương phải tìm cách xã hội hóa và huy động sức dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ Trung thì “điều này rất khó, thậm chí không thể”. Lý do là xã có rất ít doanh nghiệp đứng chân, còn người dân thì dường như đã quá sức với các khoản đóng góp xây dựng. “Do đó, nếu không được cấp trên hỗ trợ thì chắc chắn tiến độ xây dựng của xã sẽ bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Vũ Trung lo lắng nói.
Diện mạo nông thôn Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) ngày một khởi sắc. Ảnh: H.H |
Với Đức Tân, dù đã đạt 18/19 tiêu chí, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Thanh Sơn thì: “Chúng tôi rất lo vì chưa có khu thể thao xã đạt tiêu chuẩn”. Theo đó, UBND xã Đức Tân đã quy hoạch khu thể thao với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn án binh bất động. “Nếu không được ngân sách bố trí kinh phí, chúng tôi rất khó, thậm chí không thể hoàn thành tiêu chí này. Bởi chẳng có cá nhân, doanh nghiệp nào chịu bỏ tiền đầu tư vào khu thể thao cấp xã cả”, ông Phạm Thanh Sơn lý giải.
“Dù biết không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng thực tế nguồn lực địa phương còn hạn chế, việc huy động nhân dân đóng góp cũng có chừng mực, trong khi doanh nghiệp thì dường như không tham gia. Do đó, nếu một số tiêu chí như nhà văn hóa, khu thể thao, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân xã… không được ngân sách hỗ trợ kinh phí thì rất khó để các địa phương trong huyện cán đích NTM đúng lộ trình”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh bày tỏ. Đơn cử như xã Nghĩa Hòa, công tác chỉnh trang nghĩa trang nhân dân là vô cùng khó khăn trong việc tìm quỹ đất quy hoạch lẫn di dời. Nguồn kinh phí cần cho công việc này vì thế cũng sẽ rất lớn, nên địa phương không thể tự thân vận động được. Hẳn vậy nên dù lộ trình đến cuối năm 2015, Nghĩa Hòa sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng sợ không đúng kế hoạch.
Cùng với các địa phương điểm trên thì hiện giờ các xã nằm trong “tốp sau”, tức lộ trình đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 cũng đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn. Vì vậy nhiều công trình, hạng mục phục vụ tiêu chí NTM bị chậm trễ do phải đợi kinh phí thuộc về phần đóng góp của ngân sách xã và nhân dân (ví dụ như xây dựng giao thông nông thôn thì Nhà nước 80%, ngân sách xã và nhân dân 20%). Do đó nên những công trình được khuyến khích là “xã hội hóa” thì xã bế tắc, chấp nhận chờ đợi.
Cũng theo lãnh đạo một số địa phương, các tiêu chí như nhà văn hóa, khu thể thao của xã…tỉnh cần kiến nghị Trung ương xem xét thay đổi. Lý do là mỗi thôn có một nhà văn hóa, sân thể thao để sinh hoạt. Còn nhà văn hóa, khu thể thao tuyến xã xây dựng xong rồi…để đó chứ hiếm khi sử dụng nên rất lãng phí. Chính quyền và người dân một số địa phương – đặc biệt là xã điểm đã và đang đuối sức, dù họ đã nỗ lực hết mình. Vậy nên những trợ lực lúc này là hết sức cần thiết để họ có thể xây dựng thành công NTM.
Thuận lợi nhờ vận động tốt và linh hoạt lồng ghép các nguồn lực
Dù không được chọn là xã điểm trong phong trào xây dựng NTM, nhưng xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) và Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) đã phát huy nội lực và sức mạnh khối đại đoàn kết trong xây dựng NTM nên đạt được những kết quả khả quan, tạo bệ phóng để tiến đến xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.
Trong những năm qua, phong trào xây dựng NTM ở xã Hành Tín Đông luôn được người dân hưởng ứng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đóng góp tiền của, công sức để đầu tư xây dựng hệ thống điện, nhà văn hóa... khang trang, bài bản.
Bên cạnh đó, mô hình thu gom rác thải sinh hoạt do địa phương khởi xướng cũng đã tạo sự lan tỏa, đồng tình hưởng ứng của người dân trong xã. Với kinh phí mỗi hộ gia đình đóng góp 10 nghìn đồng/tháng đủ cho xe chở rác hoạt động đều đặn 2 lần/tuần. Riêng đối với những hộ gia đình neo đơn, hộ khó khăn không đủ điều kiện để tham gia thì cũng tự ý thức xử lý rác tại nhà, góp phần tạo nên môi trường xanh – sạch – đẹp cho những vùng nông thôn.
Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp mà xã Hành Tín Đông có một ngôi trường khang trang, xếp vào hạng những trường đẹp của tỉnh. Nhờ đó, đã tạo ra một môi trường giáo dục đào tạo với đầy đủ các trang thiết bị và sân chơi, giúp học sinh ở xã còn nhiều khó khăn này có thêm niềm vui, nghị lực để học tập, phấn đấu vươn lên. Ngôi trường đã góp phần hoàn thành tiêu chí về trường học trong xây dựng NTM.
Tiêu chí nhà văn hóa xã cần nguồn đầu tư lớn, khiến nhiều địa phương gặp khó khăn. Ảnh: M.H |
Ông Trịnh Bê - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết: “Hành Tín Đông là một xã thuần nông, có hai dân tộc Kinh và Hrê cùng sinh sống. Sản xuất và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đây là vùng “rốn lũ”, thường xuyên hứng chịu sự tàn phá của thiên tai, nhưng cũng chính trong những khó khăn ấy, tinh thần tự lực, tự cường của người dân được phát huy cao độ. Nếu như trước năm 2013, xã chỉ đạt 5 tiêu chí về NTM thì đến nay đã là 11 tiêu chí. Trên tinh thần ấy, Hành Tín Đông phấn đấu đến cuối năm đạt thêm từ 2- 4 tiêu chí nữa, tạo tiền đề đến năm 2020 trở thành xã NTM như nhiều xã bạn có điều kiện khác”.
Với phương châm không trông chờ, ỷ lại nguồn hỗ trợ xây dựng NTM từ Nhà nước, những năm qua chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Trung đã đồng lòng đóng góp tiền của, công sức để xây dựng quê hương. Đến nay, xã đã đạt 11 tiêu chí NTM. Dù so với nhiều xã khác, đó không phải là thành tích nổi bật, nhưng về khách quan, đời sống của nhân dân Nghĩa Trung đang ngày một đi lên, diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc.
Bằng những việc làm cụ thể, Nghĩa Trung đã huy động nhân dân đóng góp hơn 281 triệu đồng để tu sửa giao thông; đo đạc chỉnh lý và vận động nhân dân thôn La Châu hiến đất và tiền của để mở rộng nhiều tuyến đường với kinh phí đóng góp hơn 100 triệu đồng... Đặc biệt là tấm lòng thơm thảo của những người con đang sống xa quê hương như ông Bùi Tá Ba đã đóng góp khoảng 4,5 tỷ đồng để xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa và 540 triệu đồng để mở rộng và bê tông hóa tuyến Cầu Phủ - Ngõ ông Bình…
Ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết: “Những tiêu chí đạt được là rất thực chất, vì vậy có tính bền vững rất cao. Từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân đóng góp, chúng tôi đã linh hoạt trong việc đầu tư xây dựng các hạng mục một cách bài bản. Cái nào cấp thiết thì ưu tiên làm trước nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân trong xã. Sức mạnh là sự đồng thuận, thống nhất cao giữa chính quyền và nhân dân. Chúng tôi hy vọng sẽ về đích đúng hẹn trong phong trào xây dựng NTM”.
SONG HOA