(Báo Quảng Ngãi)- Huyện đảo Lý Sơn được tách ra từ huyện Bình Sơn đầu năm 1993. Hơn 20 năm qua, dù được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, song cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân chưa có nhiều khởi sắc. Tiềm năng kinh tế biển, kinh tế du lịch chưa khai thác có hiệu quả. Nhưng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, trong đó có Lý Sơn và mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách đặc biệt cho hòn đảo tiền tiêu này đã mở ra cơ hội phát triển mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với Lý Sơn khi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 1: Cơ hội - thách thức
|
“Một núi” di sản văn hóa hấp dẫn
Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng 28km), diện tích tự nhiên gần10,3km2, nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Nhân dân trên đảo sống chủ yếu nhờ vào đánh bắt hải sản, trồng hành, tỏi. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích hoạt động phun trào của núi lửa từ thời tiền sử, địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích toàn huyện. Vùng biển Lý Sơn còn có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, như san hô xanh, san hô đen, bào ngư, trai tai tượng…
Qua khảo sát, nghiên cứu các nhà khoa học công bố có trên 700 loài động thực vật, bao gồm 137 loài rong biển, 157 loài san hô, 7 loài cỏ biển, 40 loài da gai, trên 200 loài cá rạn và 96 loài giáp xác... được quy hoạch thành Khu bảo tồn biển. Cùng với đó, trên hòn đảo này có đến 50 di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó có 4 di tích được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia và nhiều thắng cảnh đẹp như “cổng Tò Vò”, thắng cảnh Chùa Hang, Hang Câu, miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới...
Khách du lịch tham quan tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa. |
Ngoài sự phong phú về thắng cảnh thiên nhiên, di sản văn hóa trên mặt đất, Lý Sơn còn có di sản, thắng cảnh thiên nhiên văn hóa dưới nước tuyệt đẹp, hiếm ở nơi nào có, thích hợp với việc hình thành tour du lịch khám phá lòng đại dương. “Việc xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận quần thể huyện đảo Lý Sơn là di sản thắng cảnh thiên nhiên và văn hóa cấp quốc gia đặc biệt là việc làm cấp thiết đang được Sở tiến hành.
Bởi khi được Chính phủ công nhận di sản cấp quốc gia sẽ giải được bài toán về nguồn vốn đầu tư tôn tạo, bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa trên đảo, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn không chỉ cho du khách trong nước mà còn cả quốc tế”, tiến sĩ Vũ khẳng định. Còn ông Đoàn Sung- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương thì cho rằng: "Hiếm có nơi nào trên đất nước hình chữ S này lại có hòn đảo hoang sơ, tuyệt đẹp, lòng biển còn nhiều cổng đá trầm tích như ở Lý Sơn. Vì thế, chúng tôi quyết định đầu tư nơi đây khu resort, phục hồi bãi tắm ven biển và mở tour cho du khách lặn biển ngắm san hô, câu cá…".
Triển vọng và thách thức
Sau Hội thảo Quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn, do đồng chí Trần Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của Lý Sơn. Ông Nguyễn Thanh- Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, phấn khởi nói: “Điện lưới quốc gia kéo ra đảo đã thực sự cởi trói bao khó khăn mà địa phương đối mặt từ nhiều năm qua. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã và đang rót vốn hàng trăm tỷ đồng để xây khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ… nhằm đáp ứng nhu cầu khách ra đảo du lịch”.
Cổng Tò Vò- điểm đến hấp dẫn của du khách. |
Hiện ở Lý Sơn có 17 nhà nghỉ, khách sạn đưa vào hoạt động, có khả năng đón cùng lúc trên 1.000 du khách. Ngoài ra, có hàng chục hộ gia đình đã và đang đầu tư, tham gia đón khách đến tham quan theo mô hình du lịch cộng đồng "homestay". Với Tập đoàn Mường Thanh từ lâu được biết đến là doanh nghiệp sở hữu “chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam”, gồm 30 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3, 4 và 5 sao trải dài trên cả nước, được tỉnh đồng ý cho đầu tư một khách sạn quy mô lớn.
Doanh nghiệp này cũng đang lên kế hoạch kết nối và xây dựng đưa Lý Sơn vào bản đồ du lịch của đơn vị. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cũng quyết định đầu tư khu rerort, bãi tắm, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản biển Lý Sơn... Đây là những kết quả bước đầu sau Hội thảo nhưng cũng đã khoác cho Lý Sơn một bộ áo mới khang trang và hiện đại hơn.
Để tiếp sức cho du lịch Lý Sơn, mới đây, CLB lữ hành Hà Nội Unesco tổ chức Đoàn Famtrip (du lịch tìm hiểu)- Hành trình “Lý Sơn - huyện đảo quê hương” nhằm khảo sát, quảng bá, xúc tiến khai thác tiềm năng du lịch cho huyện đảo. Tham gia đoàn có ông Mai Tiến Dũng - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT& DL Hà Nội, lãnh đạo CLB lữ hành Hà Nội Unesco cùng 40 thành viên CLB là các công ty lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước. Ông Võ Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, sau khi có chuyến thị sát Lý Sơn đã cảm nhận: Đảo Lý Sơn có tiềm năng để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, có phong cảnh biển đẹp, còn hoang sơ, thức ăn ngon và cả “một núi” câu chuyện văn hóa, lịch sử mới lạ, rất hấp dẫn liên quan đến chủ quyền hai quần đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Song ông Tài cũng lo lắng là, du lịch Lý Sơn đang phát triển nóng, trong khi hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch chưa tốt, thiếu chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch tuy phong phú nhưng chưa được “chế biến theo thực đơn cho khách” nên tính cạnh tranh thấp, chưa níu chân được du khách.
Dẫu vậy, vị Tổng Giám đốc này cũng không muốn bỏ qua cơ hội đầu tư ở đây. Ông Tài, nói: Sắp tới, công ty sẽ có những tour kết hợp với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, và Lý Sơn là một trạm dừng với thời gian dài hơn... Còn ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt thì thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi: “Điểm yếu của đảo Lý Sơn hiện nay là mật độ dân số quá đông, môi trường ô nhiễm. Đảo Bé hoang sơ, hấp dẫn du khách thì lại thiếu nguồn nước ngọt”. Không chỉ vậy, Lý Sơn hiện đang đối mặt với việc khan hiếm quỹ đất dành cho phát triển du lịch, nông nghiệp và kinh tế biển…
Chính những tồn tại đó nên việc xây dựng ở Lý Sơn chưa theo một quy hoạch tổng thể; du khách đến Lý Sơn phần lớn là tự phát, nên hiệu quả kinh tế của ngành công nghiệp không khói này mang lại cho Lý Sơn chưa cao. Chị Bùi Thị Hải Yến ở Quy Nhơn (Bình Định), chia sẻ: Tại các điểm di tích do thiếu hướng dẫn viên nên du khách chỉ ngắm nhìn, chứ chưa hiểu được gì nhiều. Còn anh Trần Hoài Thu, một du khách cũng đến từ tỉnh Bình Định thì than vãn: “Ra đảo Lý Sơn là ra với biển mà không có nơi nào để tắm biển thì thật là đáng tiếc”. Được biết, để hình thành bãi tắm biển, nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp hiến kế ý tưởng đổ cát cải tạo bãi tắm. Đây là ý tưởng hay, song cần phải được nghiên cứu kỹ vì có khả năng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động bảo tồn biển.
Bài, ảnh: B.SƠN- P.ĐỨC
*Kỳ 2: Bài toán cần lời giải