(Báo Quảng Ngãi)- Dù được đánh giá là chính sách mang tính toàn diện để phát triển thủy sản, song việc triển khai thực hiện Nghị định 67 hiện còn không ít vướng mắc. Việc hỗ trợ, giải ngân nguồn vốn này vẫn còn khá thấp so với nhu cầu của ngư dân.
Vẫn còn vướng…
Triển khai thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ đóng mới tàu cá, đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt danh sách 73 tàu (gồm 27 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ composite, 41 tàu vỏ gỗ). Trong số này, các Chi nhánh ngân hàng thương mại đã tiếp cận 65 chủ tàu. Tuy nhiên, mới có 14 chủ tàu nộp hồ sơ tại Chi nhánh ngân hàng thương mại (gồm 11 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ gỗ). Trong đó có 3 tàu đã được giải ngân, gồm 2 tàu dịch vụ vỏ thép đang đóng và 1 tàu đánh cá vỏ gỗ đã hoàn thành, với tổng kinh phí đã giải ngân là 17,2 tỷ đồng/38,8 tỷ đồng.
Tiếp cận nguồn vốn 67 còn khó khăn, nhiều ngư dân phải tự vay vốn để đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa. |
Ngoài ra, có 3 tàu vỏ thép đã được ngân hàng thương mại cho phép làm lễ cắt tôn tại các nhà máy đóng tàu và 1 tàu vỏ thép khai thác hải sản đã được Vietcombank Quảng Ngãi có văn bản đồng ý đầu tư tín dụng. Còn lại 5 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ đang được ngân hàng thương mại xem xét.
Có thể nói, việc thực hiện chính sách tín dụng đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 là chính sách mới nên khi triển khai thực hiện ở tỉnh ta, các ngân hàng thương mại chưa mạnh dạn cho vay vì sợ không thu hồi được nợ, đặc biệt là đối với tàu vỏ thép, nên các ngân hàng chỉ xem xét để cho vay với số lượng rất hạn chế.
Trong khi đó, việc thực hiện còn vướng một số quy định. Tại mục 2, Điều 2 Nghị định 67 cho phép chủ tàu được vay để “gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang bị hàng hải; trang thiết bị bảo quản hải sản, bốc xếp hàng hóa phục vụ hoạt động khai thác hải sản...” nhưng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại có văn bản yêu cầu chủ tàu muốn nâng cấp tàu bắt buộc phải nâng cấp máy chính mới được hưởng lãi suất vay vốn theo Nghị định 67. Do đó các ngân hàng không cho vay.
Hiện nay, hầu hết các chủ tàu tại Quảng Ngãi đều có nguyện vọng được dùng máy đã qua sử dụng để giảm tiền vay, tăng khả năng trả nợ nên họ đang chờ chủ trương của Nhà nước về việc có được phép sử dụng máy đã qua sử dụng hay là phải trang bị máy mới làm cho việc triển khai thực hiện chính sách càng chậm thêm.
Theo nhiều ngư dân, việc các ngân hàng không cho ngư dân vay để thực hiện một trong những hạng mục cần nâng cấp theo quy định tại mục 2, điều 2 Nghị định 67 là không đáp ứng yêu cầu thực tế của ngư dân.
Cần tháo gỡ kịp thời
Theo kế hoạch, chỉ tiêu phân bổ của Trung ương cho Quảng Ngãi đóng mới 189 tàu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại còn chậm nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên xử lý hồ sơ cho vay để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ tàu được vay vốn theo đúng quy định của Nghị định 67 và hướng dẫn kịp thời những sai sót trong quá trình xem xét hồ sơ vay vốn để chủ tàu biết và chủ động thực hiện.
Theo Nghị định 67, đóng mới tàu cá được hiểu đúng là tàu đóng mới phải trang bị máy mới 100% để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa tàu cá trong thiết kế và sử dụng an toàn. Tuy nhiên, nếu trang bị máy mới có giá mua máy cao hơn máy cũ tối thiểu khoảng 2-3 lần, ngư dân khó trả nợ hơn nên phần lớn họ còn rất lo ngại, không mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, do đóng tàu vỏ thép có giá thành cao hơn nên cần kéo dài thời hạn từ 11 năm lên 16 năm, bởi thời hạn sử dụng dài hơn tàu vỏ gỗ.
Về vay vốn tín dụng để nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, các hướng dẫn chưa nói rõ việc vay vốn tín dụng để nâng cấp tàu cá có bắt buộc phải nâng cấp máy cũ lên thành máy mới không, nhất là đối với các tàu cá sử dụng máy cũ đã có công suất trên 400 CV nên các ngân hàng thương mại chưa giải quyết cho vay là không phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, các cấp ngành hữu quan cần sớm tham mưu để Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Bài, ảnh: Nguyễn Khâm