(Báo Quảng Ngãi)- Là huyện nghèo nên mỗi năm Sơn Tây luôn được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có nguồn vốn từ Chương trình 30a. Chính những đầu tư từ nguồn vốn này đã giúp diện mạo đất ngàn cau thay da đổi thịt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những công trình 30a
Những năm trước để lên đến Sơn Tây rất gian nan vì đường sá chỉ là lối mòn, nhưng bây giờ việc đi lại khá thuận lợi. Không chỉ tuyến chính mà những tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm cũng được đầu tư xây dựng bê tông kiên cố. Trong việc làm đường có một phần vốn từ Chương trình 30a đầu tư đã thực sự giúp cho diện mạo các khu dân cư, làng xóm ở Sơn Tây đổi thay.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC Diện mạo mới ở một khu dân cư trên địa bàn Sơn Tây. |
Cách đây vài năm, từ Trung tâm Y tế huyện về thôn Gò Lã (Sơn Dung) việc đi lại hết sức khó khăn khi mà tình trạng đường sá sạt lở, ổ gà, ổ voi. “Điều khổ nhất là mỗi khi vào mùa mưa, trong thôn có người bị bệnh phải chuyển đến trung tâm y tế. Đường không thể chạy xe máy được mà phải khiêng, cõng”– ông Đinh Văn Treo, thôn Gò Lã nói.
Năm 2013, huyện Sơn Tây lập kế hoạch đưa công trình này vào thi công bằng nguồn vốn 30a. Đến nay tuyến đường dài hơn 4,4km đang được bê tông hơn 2/3 khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành trong vài tháng tới.
Theo ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, là huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số, trình độ dân trí còn thấp... Trong khi đó, nguồn thu của huyện không đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng, nên từ khi có nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a đã giúp huyện Sơn Tây “lột xác”. Đặc biệt là những khó khăn về nhà ở đã được cơ bản xóa bỏ. Riêng năm 2012, UBND tỉnh phân bổ 10,8 tỷ đồng để huyện thực hiện việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo. Nhờ đó, mà đến nay đã có 450 căn nhà được xây dựng kiên cố.
Ngoài ra, từ nguồn vốn 30a, huyện Sơn Tây đã đầu tư xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa như Trường Mầm non Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Màu… “Trong năm 2014 huyện đã tiếp nhận hơn 8,5 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 12 công trình gồm đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch, nhà văn hóa thôn và điện sinh hoạt. Năm 2015, với kế hoạch vốn được bố trí hơn 28 tỷ đồng, huyện sẽ đầu tư 11 công trình các loại. Nhờ nguồn vốn 30a mà Sơn Tây có cơ sở để lập kế hoạch đầu tư, xây dựng các công trình để diện mạo thay đổi” – ông Tùng cho biết.
Còn cần sự hỗ trợ
Hiện nay, hầu như đường giao thông về các xã ở huyện Sơn Tây đã được nhựa hóa hoặc bê tông. Thôn Đak Lang (Sơn Dung) cách đây không lâu bị “cô lập” khi mà đường sá đi lại chỉ là đường mòn, nhưng nay chỉ mất hơn 10 phút đi xe máy là có thể từ trung tâm xã vào được Đak Lang. Nơi đây đã thay đổi rõ rệt với những dãy nhà khang trang, kiên cố chẳng khác nào một thị tứ.
Đường giao thông vào khu dân cư Nước Lang (Sơn Dung) được đầu tư bê tông kiên cố. |
Trước đây về xã Sơn Lập, đường đi khó khăn, trường, trạm cũng tạm bợ. Trong đó, trạm y tế xã chỉ là căn nhà cũ kỹ, trang thiết bị thiếu thốn. Người dân trong xã bị bệnh muốn nằm lại trạm để nhân viên y tế chăm sóc cũng khó, do không có giường bệnh. Thế nhưng, bằng nguồn vốn 30a, huyện Sơn Tây đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để xây dựng Trạm Y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương.
Theo ông Bạch Ngọc Thêm-Chủ tịch UBND xã Sơn Lập, việc đầu tư xây dựng trạm y tế xã mới đã thỏa lòng mong mỏi của địa phương, góp phần đưa công tác khám, chữa bệnh cho người dân thuận lợi, cán bộ y tế công tác ở đây cũng đỡ vất vả hơn trong công việc. “Và điều quan trọng hơn hết là góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới về tiêu chí y tế của xã” – ông Thêm chia sẻ.
Dù đã có những thành quả hết sức lớn lao nhưng Sơn Tây vẫn còn rất nghèo và cần nhiều hỗ trợ hơn nữa mới có thể vượt lên. “Để Sơn Tây phát triển và đời sống người dân đổi thay huyện cần nhiều hơn nữa những hỗ trợ từ Nhà nước để đầu tư thêm nhiều công trình phúc lợi. Có như vậy đất ngàn cau mới “bừng sáng” trong tương lai gần”– ông Lê Văn Tùng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây nói.