(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có lợi thế về nghề biển. Ngoài vươn khơi đánh bắt hải sản, người dân vùng biển còn tổ chức nhiều hoạt động “hậu nghề cá”, trong đó có nghề làm mắm. Sản phẩm nước mắm của một số vùng đã vang danh trong và ngoài tỉnh. Kết hợp giữa cách sản xuất mắm truyền thống với áp dụng công nghệ tiên tiến, nước mắm Quảng Ngãi đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau Tết là mùa cá cơm, cá nục. Đây là những loài hải sản được chọn làm nguyên liệu chủ yếu để chế biến mắm. Bởi thế, cứ ăn Tết xong là làng mắm lại rộn ràng vào vụ.
Các cơ sở chế biến mắm ở thôn Kỳ Tân, An Chuẩn xã Đức Lợi (Mộ Đức) khá nổi tiếng. Tại cơ sở chế biến nước mắm Hồng Út đang vào mùa cao điểm. Thùng gỗ, vại sành to như những chiếc lu cỡ lớn mà ngày xưa người dân đảo Bé (Lý Sơn) dùng để chứa nước mưa bày la liệt. Những thùng mắm nước, mắm cái, mắm nêm đã thành phẩm, chất cao ngất ngưỡng chờ xuất xưởng. Các chị, các cô thợ làm mắm vào bao, đóng nhãn cho lô hàng mới. Ngoài bến, nhiều chiếc ghe cỡ lớn hối hả chở cá cơm, cá nục về cơ sở Hồng Út “nhập hàng”…
Sản phẩm nước mắm Hồng Út chuẩn bị xuất bán ra thị trường. |
Chị Bùi Thị Hồng Nga-chủ cơ sở chế biến nước mắm Hồng Út cho biết, mỗi mùa cơ sở thu mua khoảng vài chục tấn cá nục, cá cơm để chế biến mắm. Cứ có cá ngon, giá cả hợp lý là nhập hàng. Cá sau khi muối phải để đến 8 tháng mới có thể lọc thành mắm. “Theo kinh nghiệm cha mẹ của tôi để lại, mắm muốn ngon thì cá phải tươi. Cá nục cho độ đạm cao, nhưng cá cơm lại cho mùi thơm nên muốn mắm thơm ngon phải kết hợp giữa cá cơm và cá nục” – chị Nga chia sẻ.
Giá bán mắm tại cơ sở Hồng Út rất “mềm”: 20 nghìn đồng/lít mắm nước loại 20 độ đạm. Nếu độ đạm thấp hơn thì giá bán sẽ giảm từ 5-7.000 đồng/lít. Ngoài ra mỗi ngày cơ sở Hồng Út xuất bán ra thị trường hàng trăm lít mắm nêm, mắm cái, có hôm theo đơn đặt hàng thì bán đến cả ngàn lít. Cơ sở này đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động nữ tại địa phương.
Ông Lê Văn Hải-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lợi cho biết: “Toàn xã hiện có 21 cơ sở chế biến nước mắm đã đăng ký chất lượng. Các cơ sở này đều áp dụng phương thức sản xuất truyền thống lâu đời để sản xuất mắm nước, mắm nêm cao cấp từ cá cơm, cá nục nguyên chất. Sản phẩm được thị trường chấp nhận. Người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn sử dụng từ mấy chục năm qua”.
Ngoài xã Đức Lợi, hiện nay trong tỉnh còn có hàng trăm cơ sở chế biến nước mắm khác. Nhà máy chế biến nước mắm Tài Thịnh, công suất 600 nghìn lít/năm đặt tại khu C1 Cụm Công nghiệp-làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi). Nhà máy này xuất ra thị trường hai sản phẩm chính là nước mắm có độ đạm 16N và độ đạm 20N. Sản phẩm đang được người tiêu dùng đón nhận.
Tất cả các cơ sở chế biến nước mắm trong tỉnh hiện nay đều áp dụng hệ thống đóng gói tuân thủ theo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy sản phẩm nước mắm của Quảng Ngãi từng bước khẳng định thương hiệu của mình và dần dần chinh phục các thị trường khó tính. Hiện nay nhiều sản phẩm nước mắm của Quảng Ngãi đã có mặt ở nhiều siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, chủ các cơ sở sản xuất nước mắm danh tiếng trong tỉnh đều lo lắng về đầu ra cho sản phẩm của mình. Chị Bùi Thị Nga-chủ cơ sở Hồng Út cho biết: “Sản phẩm nước mắm rặt nguyên liệu từ cá cơm, cá nục tươi, sản xuất theo phương thức truyền thống và trên dây chuyền hiện đại, chất lượng cao, giá bán phải chăng, nhưng do thiếu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nên thị trường đang ngày càng bị thu hẹp”.
Trong khi đó, trên thị trường lại không thiếu những sản phẩm nước mắm kém chất lượng, nước mắm giả len lỏi, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm nước mắm truyền thống của Quảng Ngãi đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng, giúp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Bài, ảnh: THANH NHỊ