Những "cây" sáng kiến của QNS

07:04, 28/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ tạo được động lực mà phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý trong đội ngũ cán bộ, kỹ sư Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) luôn được kích hoạt. Chính “sân chơi” này đã xuất hiện nhiều “cây” sáng kiến” với những công trình đa lợi ích.

TIN LIÊN QUAN

Tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm

“Cách đây 5-6 năm, Nhà máy Đường An Khê, Gia Lai (một đơn vị thành viên của QNS) luôn sản xuất trong tình trạng thiếu nước, nhất là thời điểm tháng 3, tháng 4 do áp lực mía lớn và nước sông Ba luôn ở mực nước chết. Ở thời điểm đó, dù chỉ sản xuất ở công suất 4.000 – 4.500 tấn mía/ngày, nhưng thỉnh thoảng Nhà máy phải dừng sản xuất do thiếu nước trầm trọng. Trước áp lực thiếu nước, trong khi công ty còn triển khai Dự án Mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đường An Khê từ 4.500 lên 10.000 tấn mía/ngày và phải đưa vào hoạt động khả thi trong vụ ép 2010 - 2011. Đó là điều “thúc ép” tôi cùng với các cộng sự thực hiện sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt tháp ngưng tụ và bộ thu hồi ngoài cho hệ thống bốc hơi và các nồi nấu đường để tiết kiệm nước sử dụng cho sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng điện, tăng hiệu suất thu hồi đường và giảm thiểu tác động môi trường”- kỹ sư Trần Quang Kiên nhớ lại.

Việc nghiên cứu, cải tiến dây chuyền sản xuất đã giải phóng sức lao động cho công nhân công ty. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bia lon Dung Quất.
Việc nghiên cứu, cải tiến dây chuyền sản xuất đã giải phóng sức lao động cho công nhân công ty. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bia lon Dung Quất.


Kỹ sư Kiên cho hay, để tiết kiệm lượng nước sử dụng cho sản xuất và giảm tiêu hao năng lượng điện, chúng tôi đã thiết kế, chế tạo và lắp đặt tháp ngưng tụ cho hệ thống bốc hơi và các nồi nấu đường. Tiếp đó là thiết kế, chế tạo, lắp đặt bộ thu hồi ngoài cho hệ thống bốc hơi và các nồi nấu đường. “Hai loại thiết bị này không chỉ làm lợi hơn 82 tỷ đồng mỗi năm mà giải pháp này còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường của Nhà máy Đường An Khê”-kỹ sư Kiên phấn khởi cho biết.

Thêm một điều đặc biệt nữa là, các thiết bị này lần đầu tiên được tính toán thiết kế chế tạo 100% tại Việt Nam, do Nhà máy Cơ khí Thực phẩm thuộc QNS  chế tạo thi công và  lắp đặt. Giải pháp này cũng đã được ứng dụng để gia công và lắp đặt tại Nhà máy Đường Phổ Phong và đã đưa vào sử dụng từ niên vụ 2010 -2011.

Thâm canh mía trên… gò đồi

Theo ông Trần Văn Thư-Trạm trưởng Trạm Nguyên liệu Ba Tơ, phòng đầu tư – nguyên liệu (Nhà máy Đường Phổ Phong) việc xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu mía bền vững tại huyện Ba Tơ với năng suất bình quân từ 55 – 60 tấn/ha, chữ đường từ 9,0 – 9,5 CCS, sản lượng hàng năm đạt từ 55.000 – 60.000 tấn đem lại hiệu quả cho người  trồng mía và cho Nhà máy là cả một hành trình.

“Từ năm 2009 trở về trước, năng suất, chất lượng mía tại vùng nguyên liệu huyện Ba Tơ rất thấp. Năng suất bình quân chỉ từ 40 – 42 tấn/ha, chữ đường từ 8 – 8,4 CCS, hiệu quả sản xuất từ cây mía thấp, thiếu bền vững. Nhưng mọi sự đã thay đổi khi Nhà máy xây dựng Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi huyện Ba Tơ theo hướng sản xuất bền vững” được UBND tỉnh và Sở KH&CN phê duyệt”-ông Thư thông tin.

Từ mô hình này, Nhà máy tổ chức xây dựng được vùng nguyên liệu mía tập trung chuyên canh công nghiệp “cánh đồng lớn” theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định đạt diện tích gần 600ha trong năm 2012 và đến nay mở rộng diện tích lên trên 900ha. Và từ việc chỉ làm điểm trên địa bàn 2 xã Ba Dinh và Ba Tô (Ba Tơ), đến nay đã áp dụng rộng rãi trên tất cả các xã trồng mía trong toàn huyện Ba Tơ và các huyện miền núi lân cận như Minh Long, Sơn Hà.

5 năm, 9 sáng kiến, làm lợi hàng tỷ đồng

“9 đề tài sáng kiến được áp dụng hiệu quả. Trong đó, 3 đề tài tính được giá trị làm lợi thành tiền trên 6 tỉ đồng, 6 đề tài có giá trị cao về mặt kỹ thuật công nghệ và bảo vệ môi trường” là thành quả chỉ trong 5 năm miệt mài nghiên cứu của anh Huỳnh Kim Nam-Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ (Nhà máy Bia Dung Quất).

Để khắc phục những bất cập, mang lại hiệu quả cao về  mặt kinh tế - kỹ thuật đối với công đoạn sản xuất dịch đường, lên men và lọc bia, kỹ sư Nam đã cải tiến quy trình công nghệ, khai thác tối đa công suất thiết bị để giảm tiêu hao, nâng cao sản lượng và duy trì ổn định chất lượng. Đến khi nhu cầu của thị trường liên tục tăng cao, trong khi công suất thiết kế của nhà máy đang ở mức 50 triệu lít bia/ năm (vào các năm 2010-2012) nên những mùa cao điểm sản lượng sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Và để giải bài toán “tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trên cơ sở năng lực của thiết bị hiện tại”, kỹ sư Nam đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp cải tiến quy trình công nghệ tại các công đoạn nút thắt về sản lượng, với giải pháp này đã góp phần tạo ra sản lượng bia vượt công suất thiết kế.

Năm 2012 sản lượng bia đã đạt 62,5 triệu lít, vượt công suất thiết kế 25,4% nhưng  vẫn đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, góp phần mang lại hiệu quả về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội, tổng giá trị làm lợi trên 5 tỷ đồng. Tiếp đó, kỹ sư Nam cùng đồng nghiệp đã đầu tư nghiên cứu và thực hiện cải tiến công thức nấu, công nghệ lên men và lọc bia để nâng cao chất lượng hương vị của bia…, góp phần vào sự phát triển ổn định của Nhà máy.

Không chỉ kỹ sư Kiên, Thư, Nam mà trong 5 năm qua, hàng trăm cán bộ kỹ thuật, công nhân bậc cao của QNS đã có gần 300 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến trong quản lý được ứng dụng mang lại nhiều lợi ích cho Công ty và xã hội.
         

Bài, ảnh: Thanh Như

 


.