(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ bò giống cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn đã thực sự đem lại hiệu quả. Việc trao “cần câu” đúng lúc đã giúp cho nhiều nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cách đây 8 năm, gia đình bà Trần Thị Lạc, thôn Tân Hy, xã Bình Đông (Bình Sơn) thuộc diện hộ nghèo nhất nhì xã. Đất sản xuất ít, không có tiền để đầu tư chăn nuôi nên hằng ngày vợ chồng bà Lạc phải lên núi đốn củi để kiếm tiền nuôi 3 đứa con. Mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng cái nghèo vẫn luôn bủa vây gia đình bà.
Năm 2011, bà Lạc được hỗ trợ một con bò cái. Từ đây gia đình bà đã có động lực để vươn lên thoát nghèo. Bà Lạc chia sẻ: “Hôm nghe được hỗ trợ một con bò, vợ chồng tôi mừng quá, cả đêm ngủ không được, chỉ mong trời mau sáng để đi nhận bò. Bởi mình nghèo quá nên có bao giờ nghĩ tới việc sẽ mua được con bò để nuôi”.
Từ ngày có bò, bà Lạc dành một sào đất để trồng cỏ nuôi bò. Nhờ cần cù, chịu khó, ý chí vươn lên, đặc biệt là sự quý trọng “của cho” nên đến nay đàn bò của bà đã nhân lên được 3 con, trị giá trên 70 triệu đồng. Cuộc sống của bà Lạc đã khấm khá hơn xưa. Trong nhà đã có của ăn của để.
Không được may mắn như những người khác, chị Lê Thị Phương, xã Bình Thới (Bình Sơn) có chồng mất sớm. Một mình chị phải chèo chống nuôi 3 con ăn học nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm 2012, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ một con bò cái giống để nuôi. Sau hơn hai năm, bò mẹ đã sinh sản được 2 bê con, trị giá trên 35 triệu đồng. Chị Phương phấn khởi cho biết: “Vừa rồi tôi mới bán được một con bê được 20 triệu đồng. Nhờ vậy mà có tiền để trả nợ, sửa lại cái chuồng bò và lo cho 3 đứa con ăn học. Còn một bê con được 4 tháng tuổi cũng có giá khoảng 15 triệu đồng thì tôi để lại nuôi, làm của để dành mai mốt cho con đi đại học”.
Từ một con bò giống ban đầu, đến nay bà Trần Thị Lạc đã có 3 con bò, trị giá trên 70 triệu đồng. |
Ông Lý Văn Tính - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Bình Đông cho rằng: Muốn người nghèo thoát nghèo thì phải tìm hiểu xem họ thiếu công cụ sản xuất gì để hỗ trợ. Phải trao “cần câu” để họ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Và thực tế, trong thời gian qua, với cách làm trên đã giúp cho nhiều người nghèo trong xã thoát được nghèo, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Còn ở huyện miền núi Minh Long, sau hơn một năm triển khai mô hình hỗ trợ bò theo phương thức đối ứng đã đem lại hiệu quả cao. Từ sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo PRPP, 18 hộ dân xã Long Mai được chọn hỗ trợ bò giống sinh sản để chăn nuôi, cải thiện thu nhập, đến nay đã thoát được nghèo.
Cái hay của phương thức nuôi bò đối ứng chính là tính “ràng buộc”. Có nghĩa là dự án hỗ trợ một con, người dân tự đầu tư mua thêm một con. Đặc biệt những hộ nghèo nào có chí hướng làm ăn nhưng không có vốn thì chính quyền địa phương sẽ liên hệ với Ngân hàng chính sách, tạo điều kiện giúp người dân vay vốn mua bò để đối ứng.
Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ nghèo được chọn nuôi bò đối ứng ở xã Long Mai chia sẻ: “Trước đây cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn. Khi biết mình có tên trong danh sách những hộ được hỗ trợ nuôi bò đối ứng, tôi mừng lắm. Tôi nghĩ, Nhà nước đã tạo điều kiện cho mình làm ăn để thoát nghèo thì mình phải biết nắm lấy cơ hội. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng mua thêm một con bò nữa để nuôi”. Đến nay, 2 con bò của bà Lan đã sinh ra được 2 bê con, trị giá trên 30 triệu đồng.
Ông Võ Đình Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: “Đối với những hộ nghèo, con bò giống như báu vật. Bởi đối với họ việc lo cho bữa ăn hằng ngày đã khó thì lấy tiền đâu để mua bò. Vì vậy, chính sự hỗ trợ kịp thời, việc trao chiếc “cần câu” đúng lúc đã giúp cho những hộ nghèo có “điểm tựa” để vươn lên trong cuộc sống”.
Bài, ảnh: HỒNG HOA