(Báo Quảng Ngãi)- Trên các cánh đồng ở huyện miền núi Sơn Tây, đồng bào Ca Dong đã gieo mạ, cấy sạ vụ đông xuân. Trong quãng thời gian chờ thu hoạch vụ lúa mới, để có tiền mua gạo và sắm sửa chuẩn bị đón Tết cổ truyền, bà con đã tranh thủ khai thác keo, làm công...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sơn Tây mùa này lạnh giá. Nhưng từ sáng sớm, đồng bào đã lên rừng khai thác keo. Tại rẫy keo của chị Đinh Thị Hiền ở xóm Tường, xã Sơn Dung, nhiều người đàn ông lẫn phụ nữ tay cầm rựa lột vỏ keo, rồi khuân vác xuống đường chờ xe đến thu mua. Anh Đinh Văn Vê bảo: “Vợ chồng vừa mới làm đất cấy lúa xong. Thời gian này, lúa còn nhỏ, rẫy ẩm ướt nên tranh thủ làm công khai thác keo kiếm thu nhập. Một ngày công phụ nữ được 120.000 đồng, mình cũng được 140.000 đồng”.
Tiền công từ việc khai thác keo giúp người dân đỡ khó khăn trong mùa giáp hạt. |
Nhà anh Vê cũng có rẫy keo, rẫy cau, nhưng năm qua, cau mất mùa, keo lại còn nhỏ nên gia đình anh cũng rơi vào cảnh túng thiếu trong mùa giáp hạt. Những ngày này khi việc đồng áng hoàn thành, vợ chồng anh đã thay phiên nhau đi làm công kiếm tiền đong gạo.
Mưa phùn và giá lạnh đang tràn xuống khu rừng, nhưng chị Đinh Thị Lệ làm công như anh Vê vẫn thoăn thoắt đôi tay lột vỏ keo, rồi vác xuống đường tập kết như quên đi giá lạnh. Chị Lệ cười tươi: “Thời điểm này, không đi làm công thì chẳng biết làm gì để có thu nhập. Lúa rẫy không có, rừng cũng không. Con còn nhỏ, chi phí cao nên phải cố gắng làm”. Nói rồi chị lại ngược dốc lên đồi keo tiếp tục khuân cây xuống đường.
Chỉ về chiếc xe tải chất khoảng 16 tấn keo, chị Đinh Thị Hiền – chủ rẫy phân tích: Ở đây ai cũng bán nguyên đám. Còn tui không làm như vậy mà kêu bà con trong xóm đến khai thác. Bà con có tiền công thu hoạch, mình cũng được lợi hơn. Chị Hiền có 3 rẫy keo đã đến kỳ thu hoạch, nhưng theo chị bán “trọn gói” cho thương lái không lợi. Chị tính toán: Một chuyến xe 16-20 tấn có thể mất từ 3 – 5 triệu đồng tiền vận chuyển và khoảng vài triệu đồng tiền công khai thác nhưng tính ra vẫn còn thu nhập khá hơn bán nguyên đám.
Sơn Tây trong mùa giáp hạt này, bà con ai cũng tính toán để hạn chế chi phí, tăng thu nhập. Người có rừng keo đến kỳ thu hoạch thì tận dụng công lao động địa phương để khai thác. Người không có rừng keo thì sẵn sàng đi làm công để có tiền đong gạo và sắm Tết.
Sơn Tây được mệnh danh là đất ngàn cau. Tuy nhiên, mấy năm qua, cây cau thu nhập bấp bênh bà con đã phá cau trồng keo và trồng cả diện tích lâu nay đất trống nên đến thời điểm này diện tích keo trồng khá lớn. Ông Đinh Thanh Xuân ở khu dân cư Ngọc Răng, xã Sơn Mùa cho biết: Ở đây nhà ai cũng có rẫy keo. Có nhà trồng từ 2 -3 rẫy, với lượng gốc khoảng 4.000 – 5.000 cây”. Riêng ông Xuân đã trồng keo từ 10 năm nay. Ban đầu ông cũng như mọi người được Nhà nước hỗ trợ cây giống. Sau khi thu hoạch 2 đợt đầu, ông đã biết kỹ thuật ươm giống keo nên tự ươm rồi trồng lại khoảng 2.000 cây. Theo ông thì keo tự ươm giống hiện nay phát triển khá tốt. Một số hộ thận trọng hơn thì về vườn ươm ở Sơn Hà mua giống trồng. Thấy được lợi ích từ trồng cây keo, người dân Sơn Tây ngày càng mở rộng diện tích. Đây là thời điểm bà con thu hoạch keo nên đã giải quyết được một phần khó khăn trong mùa giáp hạt.
Ngoài thu nhập từ khai thác keo, đồng bào Ca Dong đã khai thác mì, bắp. Với tổng diện tích trồng mì trên địa bàn huyện hơn 700ha (năng suất đạt 180 tạ/ha), diện tích bắp trên 136ha (năng suất đạt 25 tạ/ha), không chỉ đem lại nguồn thu cho người trồng mà cả những hộ đi làm công. Vì thế, trong mùa giáp hạt nhưng ở Sơn Tây cái cảnh thiếu đói đã hạn chế rất nhiều so với các năm trước.
Ông Lê Văn Tùng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho hay: Cuộc sống bà con chủ yếu nhờ đất rừng. Nhiều năm qua, ngoài nguồn thu nhập từ cây cau truyền thống thì bà con cũng đã trồng cây keo với diện tích tương đối khá. Năm qua, cây nguyên liệu keo lại được giá nên nhiều hộ đã có nguồn thu nhập cao. Nhiều hộ có rẫy keo nhưng chưa đến kỳ thu hoạch thì đi làm công, với số tiền cũng khá nên bà con có tiền đong gạo, sắm sửa trong nhà.
Trong năm 2015, thực hiện chỉ đạo của tỉnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện sẽ khoanh vùng trồng mì, keo để đáp ứng cho các nhà máy nguyên liệu trong tỉnh. Tuy nhiên, để hạn chế chi phí vận chuyển cho bà con, huyện đang kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ dăm trên địa bàn.
Bài, ảnh: MAI HẠ