(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Mặc dù được dự báo là khó có khả năng xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, bất ổn thị trường, nhưng Quảng Ngãi vẫn tập trung cao độ cho công tác bình ổn thị trường Tết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đảm bảo cung - cầu; quyết liệt chống hàng lậu
Vụ Thị trường thuộc Bộ Công thương vừa có buổi làm việc với Sở Công thương Quảng Ngãi và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Đây là đợt kiểm tra nhằm đôn đốc, nhắc nhở địa phương tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết; đồng thời, tập trung kiềm giá bằng các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Vụ Thị trường thuộc Bộ Công thương vừa có buổi làm việc với Sở Công thương Quảng Ngãi và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Đây là đợt kiểm tra nhằm đôn đốc, nhắc nhở địa phương tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết; đồng thời, tập trung kiềm giá bằng các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Mặt hàng bánh kẹo thuộc diện bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. |
Theo dự báo của Chi cục Quản lý thị trường, tình hình cung - cầu và hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 sẽ ổn định. Nhu cầu mua sắm không cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ nay đến Tết khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng so với những năm trước khoảng 9 - 10%. Cung - cầu hàng hóa đảm bảo. Giá cả một số mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn ổn định, không có nhiều biến động so với những tháng trước. Dự báo từ nay đến Tết, giá một số mặt hàng có biến động nhưng không đáng kể, vì doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, thời tiết thuận lợi, trong năm không xảy ra dịch bệnh lớn nên nguồn gia súc, gia cầm, rau xanh không thiếu.
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Vụ Thị trường, ông Võ Minh Tâm – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi cho biết: Hiện tại, các đội quản lý thị trường đang tổ chức triển khai kế hoạch kiểm soát thị trường Tết, tập trung vào tình hình khai thác, dự trữ nguồn hàng, lưu thông hàng hóa và diễn biến cung - cầu; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; theo dõi để phát hiện dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức... Ngành quản lý thị trường đang tập trung kiểm soát chống gian lận thương mại, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm như pháo các loại, đèn trời, đồ chơi bạo lực, tiền giả, rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá, đồ điện tử, điện lạnh…
Hỗ trợ bình ổn giá
Tết Ất Mùi 2015 là năm thứ tư liên tiếp Quảng Ngãi dùng ngân sách cho các doanh nghiệp mượn để mua hàng hóa trữ phục vụ Tết nhằm bình ổn thị trường. Nhận định Tết này hàng hóa trên thị trường dồi dào, sức mua không tăng đột biến vào dịp Tết, do đó, công tác bình ổn giá được gắn với hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Tổng số tiền UBND tỉnh cho doanh nghiệp mượn bình ổn giá Tết là 21,5 tỷ đồng.
Năm nay có 4 doanh nghiệp được chọn tham gia bình ổn giá là Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn– Quảng Ngãi; Siêu thị Thành Nghĩa; Siêu thị Nghĩa Hành và Công ty CP lương thực Quảng Ngãi. Mục đích của chương trình nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tạo điều kiện để nhân dân mua sắm hàng chất lượng, giá cả ổn định để đón Tết.
Ngoài các điểm bán hàng cố định, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá sẽ tổ chức 21 điểm bán hàng khác tại các vùng nông thôn, miền núi, để người dân thuận tiện mua sắm Tết.
Theo quy định thời gian ứng vốn cho các doanh nghiệp mượn để trữ hàng bắt đầu từ ngày 12.1.2015 và đến ngày 1.4.2015 phải hoàn trả lại ngân sách. Tuy nhiên, đến nay việc ứng vốn chưa hoàn tất các thủ tục. Doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết ứng tiền. Mặc dù đây là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh dùng tiền ngân sách cho doanh nghiệp mượn để mua hàng tham gia bình ổn thị trường, nhưng năm nào việc giải quyết ứng tiền cũng chậm trễ. Nhiều năm chậm cả tháng so với thời gian quy định. Điều này đã làm mất đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến mục đích, ý nghĩa của hoạt động bình ổn giá Tết.
Bài, ảnh: THANH NHỊ